Tận dụng 'giờ vàng' trong sơ cấp cứu TNGT
Khoảng một giờ đầu tiên sau khi bị tai nạn được coi là 'giờ vàng' để cấp cứu nạn nhân. Tỷ lệ tử vong cao do năng lực cấp cứu trước khi nhập viện chưa đáp ứng một cách hiệu quả, làm tăng nguy cơ biến chứng.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), yếu tố quan trọng nhất là cấp cứu cho người bị thương càng sớm càng tốt. Hầu hết tử vong xảy ra trong những giờ đầu tiên sau tai nạn do hệ thống hô hấp bị ảnh hưởng, đường thở bị tắc hoặc do bị mất nhiều máu, tất cả những vấn đề này đều có thể xử trí được nhờ sơ cấp cứu.
Nếu được sơ cấp cứu kịp thời, nạn nhân TNGT có thể giảm đáng kể tỷ lệ tử vong cũng như những biến chứng, chấn thương. Nâng cao chất lượng sơ, cấp cứu được xác định là giải pháp quan trọng, góp phần giảm thiệt hại về người trong các vụ TNGT.
Tuy nhiên, thực tế khi TNGT xảy ra, thông thường những người đầu tiên tiếp xúc với nạn nhân lại rất thiếu các kỹ năng cần thiết để sơ cứu kịp thời.
Theo các chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ tử vong cao do năng lực cấp cứu trước viện chưa đáp ứng một cách hiệu quả, làm tăng nguy cơ biến chứng và tử vong.
Phần lớn các ca tử vong do tai nạn thương tích đều là tử vong ngoại viện hoặc trong vòng 48 tiếng sau tai nạn. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống y tế ở các nước, đặc biệt là các nước thu nhập thấp và trung bình thường chỉ tập trung vào điều trị bệnh cụ thể.
BS Đinh Văn Quỳnh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết khi đưa nạn nhân vào cấp cứu có 8,7% do người nhà tự đưa đến, còn đa số được vận chuyển bằng xe cứu thương. Song nhân viên y tế đi hộ tống chỉ là điều dưỡng không có bác sĩ nên các kỹ thuật cấp cứu ban đầu chủ yếu là băng vết thương, bất động chi gãy, khai thông đường thở, đặt nội khí quản và nẹp cổ.
Theo BS Quỳnh, cấp cứu trước viện đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc cấp cứu, giúp giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong trước khi người bệnh tiếp cận nhân viên y tế hoặc trước khi đến bệnh viện điều trị thực thụ. "Cần đào tạo chuyên nghiệp cấp cứu trước viện cho nhân viên y tế và ngoài cộng đồng về cấp cứu các ca tai nạn bên cạnh việc tiếp tục tăng cường các biện pháp giảm thiểu TNGT", BS Quỳnh đề xuất.
Liên quan đến vấn đề này, PGS Nguyễn Gia Bình, chuyên gia hồi sức cấp cứu, cho hay: "Thế giới rất quan tâm đến vấn đề cấp cứu trước viện. Họ đào tạo, huấn luyện kiến thức cấp cứu ngoại viện trở thành kỹ năng sống cho cộng đồng. Mọi người được tiếp cận từ thời học sinh phổ thông, để biết cấp cứu trong các tình huống nguy hiểm đến tính mạng, với các thao tác rất đơn giản, không cần kỹ năng cao, cũng không cần máy móc phức tạp. Cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân vượt qua thời điểm khó khăn nhất là rất quan trọng.
Mỗi năm, nước ta có tới chục ngàn người tử vong do tai nạn giao thông. Nếu làm tốt cấp cứu trước viện, chắc chắn số lượng tử vong sẽ ít đi, thì thiệt hại về kinh tế, những tổn thất về tinh thần, xã hội cũng ít đi".
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, 50% số nạn nhân thường tử vong do chấn thương xảy ra tức thì tại nơi gặp tai nạn; 30% xảy ra trong 3-4 giờ sau đó và chỉ có 20% xảy ra trong giai đoạn điều trị ở bệnh viện.
Vì thế, trong vòng một giờ đầu sau khi bị tai nạn, được coi là "giờ vàng" để cấp cứu nạn nhân. Muốn giảm hạn chế tỷ lệ tử vong cao và thương tật do chấn thương, cần tập trung tổ chức tốt cấp cứu ban đầu.