Tận dụng tốt nhất cơ hội, vượt lên thách thức (bài cuối)

Việc thành lập khu thương mại tự do (TMTD) là một sáng kiến chính sách quốc gia, nhằm tạo ra một khu vực có thể chế tự do và ưu đãi vượt trội, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, thu hút nguồn lực đủ để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh thế giới ngày càng hội nhập sâu, khu TMTD chính là công cụ để các quốc gia tận dụng tối đa lợi ích mà quá trình hội nhập mang lại; và việc hình thành khu TMTD gắn với cảng biển và cảng hàng không sẽ giúp cho địa phương đó trở thành một mắt xích quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Do vậy, từ những yếu tố thuận lợi sẵn có, sau thí điểm Khu TMTD Đà Nẵng, Việt Nam cần tận dụng tối đa cơ hội để hội nhập sâu với thế giới.

Nhiều dư địa để phát triển

Với vị trí chiến lược của đất nước (nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á, gần các tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng), thuận lợi mà cũng là cơ hội lớn nhất chính là cho phép Việt Nam trở thành một điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng trong khu vực, dễ dàng kết nối với các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN khác. Và mặc nhiên, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các khu TMTD - nơi hàng hóa có thể được nhập khẩu, chế biến và xuất khẩu một cách hiệu quả.

Việt Nam đang sở hữu nhiều cảng biển lớn và hiện đại như cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng và cảng Cái Mép - Thị Vải. Những cảng này có khả năng tiếp nhận tàu container lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Hệ thống giao thông kết nối giữa cảng biển với các KCN và khu chế xuất cũng đang được nâng cấp và mở rộng, bao gồm đường bộ, đường sắt và hàng không. Điều này tạo nên một mạng lưới logistics hiệu quả, hỗ trợ cho sự phát triển các khu TMTD.

Trong những năm qua, nhằm thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư bao gồm miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập vào từ nước ngoài để sản xuất, kinh doanh trong các khu TMTD và miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trong khu TMTD. Cùng với đó là chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi cũng được áp dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Đáng chú ý, kinh tế Việt Nam đang phát triển với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định. Quy mô nền kinh tế năm 2024 vừa qua đã đạt trên 470 tỉ USD, đứng thứ 32 thế giới và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại với 17 hiệp định TMTD (FTA) và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt khoảng 40 tỷ USD, trong đó vốn FDI thực hiện khoảng 25 tỷ USD. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; đặc biệt đã xác lập được vị thế quan trọng trong chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu, thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ lớn.

Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và nhu cầu tiêu dùng nội địa cao tạo ra một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu TMTD. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc ký kết nhiều hiệp định FTA với các đối tác lớn như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia ASEAN, mở ra nhiều cơ hội cho việc phát triển khu TMTD.

Về dư địa để phát triển các khu TMTD, theo phân tích của các chuyên gia, sau thí điểm tại Đà Nẵng, nếu thành công, khu TMTD sẽ là mô hình tốt để lựa chọn đối với các ứng viên sáng giá tiếp theo triển khai. Hiện nhiều địa phương cũng sẵn có nhiều lợi thế màu mỡ để khu TMTD bén rễ trong tương lai gần. Chẳng hạn như Hải Phòng - thành phố cảng lớn nhất và quan trọng bậc nhất của Việt Nam, địa phương này đang nhận được sự chú ý đặc biệt của nhiều nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lĩnh vực sản xuất và logistics trước các chính sách ưu đãi tại KCN Đình Vũ - Cát Hải và KCN Tràng Duệ, và đặc biệt là tại Khu phi thuế quan Xuân Cầu. Việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng (rộng hơn 20.000ha), gắn với xây dựng khu TMTD, khu phi thuế quan cũng nhằm vận dụng những cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế về TMTD áp dụng tại địa phương này.

Được mệnh danh là “thủ phủ” công nghiệp và đặc biệt là cảng biển (trong đó cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đóng vai trò chủ chốt, khẳng định vị thế là một trong những cụm cảng biển lớn nhất Việt Nam với tổng công suất lên đến hơn 18 triêụTEU/năm), Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang hướng đến mục tiêu phát triển khu TMTD gắn liền với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đang tập trung vào ba trụ cột chính, gồm: hoàn thiện hạ tầng và kết nối; xây dựng chính sách và cơ chế quản lý hiện đại; thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, một số tỉnh khác như Lạng Sơn, Đồng Nai và Bình Dương cũng thấy rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương mình nên cũng đang hào hứng nghiên cứu phương án, đề xuất thành lập khu TMTD...

Khu kinh tế tự do Incheon thu hút đầu tư hàng đầu Hàn Quốc.

Khu kinh tế tự do Incheon thu hút đầu tư hàng đầu Hàn Quốc.

Vượt lên thách thức, chỉ bàn làm

Có khá nhiều thách thức đối với Đà Nẵng – địa phương được chọn thí điểm nói riêng và Việt Nam nói chung khi bắt tay vào việc thực hiện mô hình khu TMTD. Thách thức đầu tiên chính khung pháp lý chưa hoàn thiện.

Theo Bộ Công Thương, đến thời điểm này, Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng và cụ thể cho việc thành lập và quản lý khu TMTD. Một chuyên gia cho rằng, lâu nay, ta chỉ chú tâm ban hành các chính sách chủ yếu vận dụng vào hoạt động của các khu kinh tế (KKT) và khu chế xuất (KCX), nhưng chưa đề cập chi tiết đến các khu TMTD. Việc thiếu khung pháp lý gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc tiếp cận và phát triển khu TMTD, đồng thời, làm giảm tính minh bạch và hiệu quả của quản lý nhà nước đối với các khu vực này.

Thách thức cơ bản tiếp theo đó là Việt Nam phải cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực đã có các khu TMTD phát triển như Singapore, Thái Lan và Malaysia. Không phải chỉ có khung pháp lý hoàn thiện, cơ sở hạ tầng hiện đại và các chính sách ưu đãi hấp dẫn, thu hút đầu tư và phát triển khu TMTD, các quốc gia vừa kể cũng có kinh nghiệm quản lý và vận hành khu TMTD hiệu quả, làm cho việc cạnh tranh của Việt Nam với họ càng trở nên khó khăn hơn.

Dù Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, đông đảo nhưng kỹ năng và trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực này chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các doanh nghiệp trong các khu TMTD. Đây cũng là một thách thức cần được nhận diện nhằm có đối sách phù hợp.

Cuối cùng chính là thách thức về cơ sở hạ tầng logistics. Mặc dù cơ sở hạ tầng đã được cải thiện nhưng vẫn cần đầu tư thêm vào các dịch vụ hỗ trợ logistics (như kho bãi, bốc xếp hàng hóa và các dịch vụ phụ trợ khác) để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu TMTD. Hệ thống giao thông kết nối giữa các khu vực kinh tế trọng điểm và các TMTD cũng cần được nâng cấp và mở rộng hơn nữa đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa diễn ra thông suốt, hiệu quả…

Nhìn từ Đà Nẵng - địa phương duy nhất đến thời điểm này được chọn thí điểm Khu TMTD, cả nước đặt nhiều kỳ vọng về sự thành công tới đây bởi Đà Nẵng hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, đáng chú ý nhất là Khu TMTD Đà Nẵng được thành lập phù hợp với các chủ trương lớn phát triển đất nước nói chung, Đà Nẵng và khu vực miền Trung nói riêng nên được sự quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc của Trung ương, Quốc hội và Đà Nẵng để từng bước trở thành một Khu TMTD hình mẫu ở Việt Nam.

Tuy nhiên bên cạnh đó, có không ít thách thức mà lãnh đạo Đà Nẵng cũng đã sớm nhận diện. Dễ thấy nhất là quỹ đất dành cho khu TMTD còn hạn chế. Do vậy, Đà Nẵng đối mặt với thách thức trong việc xác định phát triển trong tương lai nhằm tối đa hóa mật độ một cách phù hợp với tăng trưởng dân số. Các chuyên gia cho rằng địa phương này cần hài hòa giữa quy hoạch kinh tế và cơ sở hạ tầng để đáp ứng các nhu cầu phát triển trong tương lai.

Tiếp đó, Đà Nẵng phải đảm bảo sự cân bằng giữa khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển với bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái, tài nguyên tự nhiên. Khu TMTD Đà Nẵng do vậy phải mang yếu tố thân thiện với môi trường, thu hút các ngành công nghiệp xanh và công nghệ sạch.

Khu TMTD Đà Nẵng có thể đối mặt với nhiều cạnh tranh do tính tương đồng trong các điều kiện phát triển (vị trí địa lý, tiềm năng du lịch…) từ các địa phương khác, các đặc khu kinh tế mới trong nước và khu vực Đông Nam Á.

Phần lớn doanh nghiệp Đà Nẵng thuộc quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đến 99%. Sự hạn chế về quy mô doanh nghiệp khiến dòng vốn FDI khó tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ chiếm khoảng 0.5% tổng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam vào năm 2023. Thực tế này khiến Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút các dòng vốn FDI lớn và phát triển chuỗi cung ứng có tính cạnh tranh quốc tế. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường thấp là một thách thức lớn cho việc thành lập Khu TMTD Đà Nẵng, cần có những ưu đãi, chính sách và định hướng phù hợp để thu hút đầu tư, kích cầu thị trường.

Khi so sánh với các đối chuẩn trong khu vực, khung cơ chế ưu đãi cho Khu TMTD Đà Nẵng (theo Nghị quyết 136/2024/QH15) còn thiếu lợi thế cạnh tranh khác biệt. Các chuyên gia cho rằng, đây cũng là thách thức cho địa phương thí điểm khu TMTD mà Trung ương cần lưu ý…

Nhận diện đầy đủ những thuận lợi, cơ hội và cả những tồn tại, thách thức để có phương pháp, giải pháp gắn với lộ trình, bước đi phù hợp đó là việc rất quan trọng, cần thiết. Theo TS Huỳnh Huy Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng, Đà Nẵng tiên phong trong thực hiện Khu TMTD nên sẽ có rất nhiều khó khăn, trong đó, việc xây dựng một hành lang pháp lý, cơ chế chính sách hoàn toàn mới để áp dụng trong thực tế là nhiệm vụ rất khó. “Đà Nẵng phải tìm cách tận dụng hết ưu việt của mô hình này, phục vụ cho phát triển, quy hoạch chung, phù hợp với tổng thể. Nếu mô hình thành công sẽ là cơ sở để lan tỏa ra cả nước. Nếu thành công một phần cũng là kinh nghiệm quý giá để người làm chính sách hoàn thiện các quy định.”, TS Huỳnh Huy Hòa chia sẻ.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, để tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 136/2024/QH15, phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào dứt việc đó; không lan man, dàn trải trong khi nguồn lực, kinh nghiệm có hạn; nói là làm, cam kết là phải thực hiện; chỉ bàn làm, không bàn lùi.

Các chuyên gia rất tán đồng với quan điểm của người đứng đầu Chính phủ, đó là: “Đà Nẵng cứ mạnh dạn làm, rồi qua quá trình thực hiện chúng ta loại trừ, điều chỉnh dần những vấn đề không phù hợp. Chẳng có gì dễ dàng cả, vì đây là mô hình mới, nhưng phù hợp với xu thế phát triển”.

Thái Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/tan-dung-tot-nhat-co-hoi-vuot-len-thach-thuc-bai-cuoi--i758404/