Những 'đơn hàng' cho thị trường lao động

Từ năm 2025, thị trường lao động TPHCM chứng kiến một số lượng khá lớn lao động dôi dư do quá trình tinh gọn bộ máy cũng như ảnh hưởng của làn sóng chuyển đổi cơ cấu kinh tế truyền thống (nhất là ở khu vực thâm dụng lao động) sang chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Vì vậy, một chiến lược lao động việc làm, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo nghề để đáp ứng với tốc độ chuyển đổi, trong và sau khi tinh gọn bộ máy đang đặt ra vấn đề cấp bách cho thành phố.

Trong đó, 5 ngành trụ cột của thị trường lao động lớn nhất cả nước này (gồm công nghệ thông tin, thương mại điện tử, logistics, kinh tế xanh, du lịch) nên được xác định, để qua đó hoàn thiện cơ chế, xây dựng một hệ thống từ trung tâm đào tạo nghề thích ứng với từng trụ cột nói trên đến các quỹ hỗ trợ đào tạo, khởi nghiệp, nền tảng kết nối việc làm thông minh, lao động xuất khẩu tiếp cận thị trường lao động quốc tế.

Xét ngắn hạn, chúng ta nên có một chuỗi đào tạo, tái đào tạo việc làm để đáp ứng nhanh làn sóng hậu tinh gọn; còn về dài hạn, đó là sự ứng phó với làn sóng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, già hóa dân số… Với tốc độ thay đổi chóng mặt của thị trường hiện nay, việc đào tạo lại và đào tạo nâng cao là điều mà người lao động, các ngành nghề đang tìm cách ứng phó để tồn tại, phát triển.

Như ngành CNTT, việc đào tạo lại cho những người thuộc các lĩnh vực khác muốn chuyển sang, đòi hỏi tập trung vào các kỹ năng lập trình cơ bản, phát triển ứng dụng, nhất là về thiết kế vi mạch, một lĩnh vực đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Họ cũng muốn trang bị nâng cao những kỹ năng về phân tích dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, an ninh mạng, và ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data).

Đối với ngành thương mại điện tử, việc đào tạo lại cho những người làm trong các ngành bán lẻ truyền thống, sẽ giúp họ chuyển sang kinh doanh trực tuyến thuận lợi hơn. Trong đó chú trọng cập nhật kiến thức về các quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh trực tuyến, thuế và bảo vệ người tiêu dùng. Tiếp tục nâng cao kỹ năng bán hàng trực tuyến, xây dựng thương hiệu cá nhân, marketing trên các nền tảng số, và phát trực tuyến (livestream).

Người lao động trong các ngành vận tải truyền thống cũng muốn được đào tạo lại, giúp họ thích nghi với các công nghệ mới trong lãnh vực logistics. Nâng cao kỹ năng quản lý chuỗi cung ứng, quản lý kho bãi, ứng dụng công nghệ 4.0 trong logistics và các kỹ năng liên quan đến giao nhận hàng hóa chặng đầu, chặng cuối, là những kỹ năng nên được cập nhật. Để chuyển đổi sang các ngành công nghiệp xanh, lực lượng lao động từ các ngành công nghiệp truyền thống thường gây ô nhiễm rất cần trao dồi những kỹ năng liên quan đến quản lý chất thải, tiết kiệm năng lượng và sử dụng tài nguyên hiệu quả.

Nâng cao kỹ năng về công nghệ năng lượng tái tạo, quản lý môi trường, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học và các kỹ năng "xanh" khác. Với du lịch, ngoài các kỹ năng căn bản, chuyên nghiệp, người lao động nên được nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ trong du lịch (ứng dụng đặt phòng, quản lý tour online), kỹ năng giao tiếp đa văn hóa, kỹ năng tiếp thị du lịch, kỹ năng liên quan đến phát triển du lịch bền vững.

Đương nhiên, công nhân trong các ngành thâm dụng lao động cần có các hạng mức để hỗ trợ chuyển đổi cho phù hợp. Trước mắt, có thể nâng cao tay nghề hiện hữu, để đảm nhận công việc phức tạp hơn, kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ mới ở môi trường làm việc mới. Họ cũng nên được tái đào tạo những kỹ năng vận hành, bảo trì máy móc tự động hóa… Những “đơn hàng” cho thị trường lao động đang được đặt ra này nên sớm có những câu trả lời mang tính giải pháp trước mắt, lẫn lâu dài.

NGUYỄN QUÂN CÁT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-don-hang-cho-thi-truong-lao-dong-post780846.html