Tân PGS trẻ nhất ngành Văn hóa: Từ cử nhân học thẳng lên TS, công bố 32 bài báo

Thầy Đặng Hoài Giang đang công tác tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội là tân phó giáo sư trẻ nhất ngành Văn hóa năm 2024.

Trong đợt công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2024, Tiến sĩ Đặng Hoài Giang (sinh năm 1986) quê ở xã Đức Hương, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh là tân phó giáo sư trẻ nhất ngành Văn hóa năm nay.

 Thầy Đặng Hoài Giang là tân phó giáo sư trẻ nhất ngành Văn hóa năm 2024. (Ảnh: NVCC)

Thầy Đặng Hoài Giang là tân phó giáo sư trẻ nhất ngành Văn hóa năm 2024. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Giang bày tỏ: “Trở thành phó giáo sư ngành Văn hóa năm 2024 tôi vô cùng hạnh phúc vì đây là ước mơ từ lâu của tôi và bản thân đã trải qua một hành trình gian khổ để hiện thực được giấc mơ này.

Tôi rất vinh dự khi là người con huyện Vũ Quang có mặt trong danh sách các thầy cô được công nhận đạt chuẩn chức danh phó giáo sư năm nay. Tôi biết ơn sâu sắc với gia đình, quê hương, thầy cô, bè bạn và đồng nghiệp đã kiên nhẫn hỗ trợ, động viên, đào tạo, dìu dắt và truyền cảm hứng cho tôi trong nhiều năm qua. Danh hiệu này là niềm vinh dự, nhưng cũng là trách nhiệm để tôi tiếp tục nỗ lực nghiên cứu và cống hiến nhiều hơn nữa”.

Theo bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2024, thầy Đặng Hoài Giang tốt nghiệp ngành Lịch sử, chuyên ngành Lịch sử tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 2008.

Tháng 6 năm 2016 thầy được cấp bằng tiến sĩ ngành Văn hóa học, chuyên ngành Văn hóa học tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Thầy Giang cho biết: “Sau khi tốt nghiệp cử nhân, tôi đã lựa chọn học lên tiến sĩ thay vì học qua thạc sĩ, điều này cũng tạo nhiều thử thách, khó khăn cho tôi. Thử thách thứ nhất là tôi cần tích lũy khối lượng tri thức đủ nhiều để phục vụ học tập, nghiên cứu. Thử thách thứ hai là tôi cần trau dồi kĩ năng viết nghiên cứu. Và thử thách thứ ba là tôi phải có trải nghiệm thực địa.

Đối với thử thách thứ nhất và thứ hai, tôi may mắn được gia đình rèn giũa thói quen đọc sách từ nhỏ và vẫn duy trì được thói quen đó trong suốt thời gian là sinh viên. Vì thế, khi vào học nghiên cứu sinh, tôi đã cố gắng bổ sung kiến thức để hoàn thành chương trình.

Với thử thách thứ ba, trước và trong khi học chương trình tiến sĩ, tôi may mắn được làm điều phối viên trong hơn 5 năm cho Viện Tư vấn phát triển (CODE), một tổ chức nghiên cứu và tư vấn độc lập về các vấn đề phát triển của Việt Nam. Tôi có cơ hội được đi thực địa ở nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều cộng đồng và các chính giới khác nhau trong xã hội. Đây là vốn trải nghiệm cực kì quý giá, không những giúp tôi có tư liệu hoàn thành luận án tiến sĩ đúng hạn mà còn định hình hướng nghiên cứu của tôi sau này”.

Quá trình công tác của Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Giang như sau:

 Quá trình công tác của thầy Đặng Hoài Giang. (Ảnh: Ngọc Mai)

Quá trình công tác của thầy Đặng Hoài Giang. (Ảnh: Ngọc Mai)

Trong nghiên cứu khoa học, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Giang theo đuổi 3 hướng nghiên cứu chính. Hướng nghiên cứu thứ nhất là nhận diện tính đặc thù của các vùng văn hóa Việt Nam từ hướng tiếp cận liên ngành. Hướng nghiên cứu thứ hai là không gian làng: truyền thống, biến đổi và những thách thức đặt ra trong bối cảnh đô thị hóa. Hướng nghiên cứu thứ 3 là thức nhận về văn hóa Việt Nam: các quan điểm lý thuyết, những vấn đề lịch sử và đương đại.

Trong 3 hướng nghiên cứu trên, thầy Giang đặc biệt tâm huyết với hướng nghiên cứu đầu tiên, thầy chia sẻ lý do: “Thứ nhất, việc nghiên cứu về các vùng văn hóa của Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống về tư liệu và nhận thức, đặc biệt là đối với các vùng đất mới được người Việt tiếp cận và khai thác sau này trên hành trình Nam tiến. Trong các vùng đó, tôi đặc biệt chú ý đến vùng Tây Nguyên và cố gắng trả lời câu hỏi: Trong bối cảnh tự nhiên và nhân văn của Việt Nam, tính đặc thù của Tây Nguyên là gì? Và nên phát triển Tây Nguyên như thế nào cho phù hợp với tính đặc thù của nó.

Thứ hai, trong các thập niên qua, do dành nhiều ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo, chúng ta mới chủ yếu chú trọng khai thác các nguồn lực tự nhiên mà chưa chú trọng đến tính đặc thù của các vùng để có cách tiếp cận phù hợp. Chính điều này đã ít nhiều làm giảm tính đa dạng, và lợi thế cạnh tranh của mỗi vùng xét trong bối cảnh hiện nay.

Thông qua hướng nghiên cứu này, tôi muốn giới thiệu cho người học và các bên liên quan hiểu được các điểm đặc thù, riêng có của từng vùng văn hóa và những giá trị mà mỗi vùng có thể đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Hiểu được điều đó để chúng ta tôn trọng tính đa dạng vùng miền, và để có một định hướng phát triển phù hợp hơn đối với “cơ địa” của từng vùng thay vì áp dụng một mô hình chung cho tất cả”.

Trong công tác đào tạo, thầy Giang đã hướng dẫn 6 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Tân phó giáo sư trẻ nhất ngành Văn hóa năm 2024 cũng hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường bao gồm: Nghiên cứu khả năng thích ứng của cộng đồng người Ê Đê đối với quá trình đô thị hóa ở thành phố Buôn Ma Thuột từ sau 1975 đến nay xếp loại tốt; Tây Nguyên qua cách nhìn của các học giả Việt Nam và quốc tế (từ nửa sau thế kỷ 19 đến nay) xếp loại xuất sắc.

Bên cạnh đó, thầy Đặng Hoài Giang đã công bố 32 bài báo khoa học, trong đó có 3 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín (trong đó có 1 bài báo thuộc danh mục WoS (ESCT); 1 bài báo thuộc danh mục SCOPUS, Q1; 1 bài báo thuộc danh mục SCOPUS, Q2).

 Danh sách 3 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín mà thầy Đặng Hoài Giang là tác giả chính sau khi được cấp bằng tiến sĩ. (Ảnh chụp màn hình)

Danh sách 3 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín mà thầy Đặng Hoài Giang là tác giả chính sau khi được cấp bằng tiến sĩ. (Ảnh chụp màn hình)

Ngoài ra, thầy Giang đã tham gia biên soạn 2 sách với vai trò là chủ biên và thành viên. Cả 2 ấn phẩm này đều được nhà xuất bản có uy tín xuất bản. Cụ thể, trước khi được công nhận tiến sĩ, thầy Giang là thành viên tham gia viết sách chuyên khảo “Hướng tới phát triển bền vững Tây Nguyên” được Nhà xuất bản Tri thức xuất bản. Sau khi được công nhận tiến sĩ, thầy là chủ biên, tác giả duy nhất sách chuyên khảo “Biến đổi không gian văn hóa buôn làng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột từ sau 1975 đến nay”. Cuốn sách là xuất bản phẩm do Nhà nước đặt hàng và được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản.

Trong suốt quá trình công tác, thầy đã nhận được nhiều giấy khen và bằng khen ghi nhận những đóng góp nổi bật. Cụ thể, thầy được nhận giấy khen của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn dành cho cán bộ giảng dạy đạt nhiều thành tích trong các năm học 2016-2017, 2017-2018, 2018-2019, 2020-2021 và 2022-2023.

Năm học 2017-2018, thầy được nhận giấy khen của Ban Chấp hành Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Năm 2021, thầy nhận giấy khen của Đảng ủy Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội dành cho Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, thầy được nhận bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội dành nhà khoa học đạt thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo năm 2023.

Tại bản đăng ký xét công nhận chức danh phó giáo sư của mình, thầy Giang nêu: “Về phẩm chất chính trị, tôi luôn gương mẫu, chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chấp hành nghiêm túc điều lệ, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị.

Về đạo đức lối sống, tôi có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống, tác phong, lề lối làm việc chuẩn mực, lành mạnh. Tôi luôn có ý thức giữ gìn đạo đức nghiêm túc, đúng chuẩn mực của nhà giáo trong đơn vị công tác, thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nghề nghiệp”.

Bật mí về định hướng sắp tới, tân phó giáo sư chia sẻ: “Tôi sẽ tiếp tục đào sâu các hướng nghiên cứu hiện tại để có các sản phẩm công bố chất lượng, trong đó có các công bố quốc tế đỉnh cao. Mong muốn lớn nhất của tôi là trở thành một chuyên gia uy tín về vùng Tây Nguyên để giúp cộng đồng học thuật trong nước và quốc tế hiểu thêm về vùng đất này, đồng thời, có thể cung cấp nhiều kiến giải có ích về chiến lược phát triển Tây Nguyên cho các cấp quản lý Trung ương và địa phương”.

Hồng Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tan-pgs-tre-nhat-nganh-van-hoa-tu-cu-nhan-hoc-thang-len-ts-cong-bo-32-bai-bao-post247402.gd