Tuyển sinh đại học năm 2025: Cắt giảm phương thức xét tuyển
Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GDĐT có một số điểm mới quan trọng. Nếu quy chế được thông qua và áp dụng trong năm 2025 sẽ tác động nhiều đến việc xét tuyển của các cơ sở đào tạo lẫn thí sinh.
Phân biệt xét tuyển sớm và các phương thức tuyển sinh
Bộ GDĐT vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.
Trong đó, Bộ dự kiến chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Điểm mới này đang gây nhiều ý kiến trái chiều từ phía các trường đại học và thí sinh, phụ huynh.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), nhiều người nhầm lẫn khái niệm xét tuyển sớm và các phương thức tuyển sinh.
Bà Thủy nhấn mạnh, không có phương thức nào được gọi là “phương thức xét tuyển sớm” vì các trường đều có thể sử dụng các phương thức xét tuyển ở mọi đợt xét tuyển.
Xét tuyển sớm được sử dụng để phân biệt về mặt thời gian so với đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GDĐT. Trong khi đó, các phương thức xét tuyển được sử dụng ở bất kỳ đợt xét tuyển nào.
Tuy nhiên, trên phương diện thời gian thì xét tuyển sớm là trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên lúc đó chưa thể dùng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Do hiểu nhầm là chỉ có kỳ xét tuyển sớm mới được sử dụng các phương thức xét tuyển riêng (mà không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT) nên các trường lo lắng khi bị giới hạn con số 20% chỉ tiêu. Còn thí sinh lo lắng bị giới hạn cơ hội xét tuyển ở các phương thức tuyển sinh mà các trường sử dụng như: xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, thí sinh không cần lo lắng, dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GDĐT, thí sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau mà các em đã và đang chuẩn bị.
Điều chỉnh phương thức xét tuyển
Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ tốt nghiệp THPT. Do đó, phương án tuyển sinh đại học cũng sẽ có nhiều thay đổi phù hợp với chương trình mới. Điểm mới đáng chú ý là một số trường sẽ cắt giảm một số phương thức xét tuyển, trong đó có phương thức xét học bạ THPT.
Đơn cử như Đại học Quốc gia TP.HCM, từ năm 2025, trường sẽ giảm bớt các phương thức tuyển sinh xuống còn 3 phương thức, gồm: xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Việc cắt giảm phương thức xét tuyển này được các trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM ủng hộ và cho rằng sẽ công bằng hơn và giúp thí sinh đỡ rối.
Ghi nhận tại một vài mùa tuyển sinh trở lại đây cho thấy, hầu hết các trường đại học đều áp dụng nhiều phương thức xét tuyển. Năm 2024, theo thống kê của Bộ GDĐT, có hơn 20 phương thức được các trường đại học sử dụng để xét tuyển đầu vào.
Việc có nhiều phương thức tuyển sinh được xem là một trong những lợi thế giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển đại học. Tuy nhiên, điều này lại khiến nhiều thí sinh không khỏi bối rối trong việc lựa chọn phương thức xét tuyển.
GS.TS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội ủng hộ việc hạn chế thời gian và chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ. Vì nhiều năm nay, kết quả đánh giá theo học bạ luôn cao hơn kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tình trạng cả nể, dễ dãi trong đánh giá theo học bạ vẫn còn.
Ông Đức nhìn nhận, việc kiểm soát để nâng cao chất lượng đầu vào, thể hiện vai trò quản lý Nhà nước của Bộ GDĐT là cần thiết.
Còn với quy định dự kiến chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, theo ông Đức, nên xem xét lại cơ sở khoa học đề xuất tỉ lệ này vì theo Luật, các trường được tự chủ trong tuyển sinh.
"Bộ không nên can thiệp quá sâu và đưa ra tỉ lệ khống chế nếu các phương thức đó tuyển được sinh viên giỏi, có chất lượng đầu vào tốt. Bộ chỉ nên hạn chế với các phương thức tuyển sinh dễ dãi, không đánh giá đúng chất lượng đầu vào, bằng mọi giá để “vơ vét” người học", GS.TS Nguyễn Đình Đức nêu quan điểm.