Tán sỏi đường mật qua da

Khoa Ngoại tổng hợp phối hợp với Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa thực hiện tán sỏi đường mật qua da cho người bệnh.

Các bác sĩ thực hiện tán sỏi cho người bệnh. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ thực hiện tán sỏi cho người bệnh. Ảnh: BVCC

Khoa Ngoại tổng hợp phối hợp với Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa thực hiện tán sỏi đường mật qua da cho người bệnh Nguyễn Thị Sự (SN 1966, ở Ngô Xá, Cẩm Khê, Phú Thọ).

Cụ thể, người bệnh có tiền sử phẫu thuật mở lấy sỏi mật 2 lần. Cách ngày vào viện khoảng nửa tháng, người bệnh đau tức vùng thượng vị, đã uống thuốc Tây, thuốc Nam nhưng không đỡ.

Siêu âm, chụp CT cho kết quả: Hình ảnh giãn đường mật trong và ngoài gan do sỏi đường mật gan phải và sỏi ống mật chủ kích thước 2x3cm. Người bệnh được chẩn đoán nhiễm trùng đường mật do sỏi tái phát.

Các bác sĩ đã tư vấn hai biện pháp điều trị là mổ mở để lấy sỏi hoặc tán sỏi qua da. Gia đình người bệnh đã lựa chọn phương pháp tán sỏi qua da. Sau tán sỏi, sức khỏe người bệnh ổn định, ăn uống, đi lại bình thường.

Theo ThS.BS Trần Thanh Tùng, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, trước đây mổ mở lấy sỏi đường mật trong và ngoài gan là phương pháp điều trị chủ yếu trong điều trị các bệnh lý sỏi mật.

Người bệnh phải trải qua cuộc đại phẫu nặng nề với nhiều biến chứng có thể xảy ra như: Chảy máu, nhiễm trùng vết mổ… thời gian hồi phục chậm và tỉ lệ sót sỏi rất cao.

Hiện nay, tán sỏi đường mật qua da được đánh giá là phương pháp điều trị can thiệp ít xâm lấn tiên tiến, đem lại hiệu quả ưu việt. Phương pháp này đặc biệt thích hợp với những người bệnh già yếu, có bệnh lý toàn thân phối hợp hoặc người đã có tiền sử phẫu thuật đường mật nhiều lần (gây dính, khó khăn khi mổ lại). Sau can thiệp, người bệnh có thời gian hồi phục nhanh, xuất viện sớm.

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ tiếp cận bằng một đường xuyên qua da từ 3 - 5mm vào đường mật trong gan dưới hướng dẫn của máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA, máy siêu âm trong mổ và camera nội soi.

Sau khi tạo được đường hầm nhỏ vào đường mật trong gan, một bộ nong rộng đưa máy tán sỏi laser công suất lớn sẽ kiểm tra toàn bộ hệ thống đường mật trong gan (ống gan phải, ống gan trái, toàn bộ ống mật chủ).

Các vị trí phát hiện có sỏi sẽ được tán nhỏ, hút ra ngoài và bơm rửa lấy hết cặn sỏi. Kết thúc ca tán sỏi, người bệnh được kiểm tra lại bằng X-quang và siêu âm đường mật, đảm bảo không còn sót sỏi.

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tan-soi-duong-mat-qua-da-post689247.html