Tản văn: Thức với Tuy Hòa

Tôi chưa gặp một người nào yêu quê như anh, yêu đến mải mê, đắm đuối. Yêu và chẳng hề ngần ngại truyền ngọn lửa tình yêu đó cho người đối diện.

Tháp Nhạn ở Tuy Hòa (Phú Yên).

Tháp Nhạn ở Tuy Hòa (Phú Yên).

Đêm thứ nhất: Câu chuyện về gió

Khách sạn bên bờ biển. Hơn một ngày trời nhàu nhọ trên tàu, tưởng sẽ ngủ say, ngủ không mộng mị. Ai ngờ trằn trọc mãi. Cũng đã lâu tôi không xa nhà, có phải vì lạ thung lạ thổ!

Quá nửa đêm rồi, đường phố tối đen, biển có mệt mỏi mà lặng yên tiếng sóng? Cửa kín quá, điều hòa chạy rì rì, làm sao tôi có thể nghe được âm vang từ lòng biển.

Sóng cứ thỏa sức tung hoành trong đơn độc nhưng cũng sẽ chẳng nhận một người xa lạ như tôi làm bạn. Vẳng lên thứ âm thanh rờn rợn, lúc rin rít, lúc tỉ tê, lúc lại hu hu ha ha. Tôi lạnh người, nổi da gà, nghĩ đến những tình huống như trong truyện kinh dị. Có phải tiếng người khóc? Ai khóc vào giờ này? Hay là ma?

Tiếng hu hu ha ha mãi chẳng yên mà có cơ càng ngày càng rõ, bởi không gian về khuya sâu hun hút. Đầu óc tôi tỉnh táo. Là gió. Gió từ biển thổi lên, quyện lấy những tầng lá phi lao, len qua những kẽ lá ken dày, tỏa đi khắp vùng không gian ven biển thứ âm thanh như là tiếng khóc tỉ tê ai oán của một quả phụ, lại có vẻ nghiệt ngã ghê gớm như tiếng rít qua kẽ răng của mụ phù thủy mũi khoằm già nua đang bất lực...

Đêm thứ hai: Câu chuyện về cà phê

Rời khách sạn ven bờ biển, chuyển đến một khách sạn khác, nhỏ hơn, nằm sâu trong lòng thành phố. Yên tâm rằng tiếng khóc của bà quả phụ, hay tiếng rít của mụ phù thủy già không còn vọng đến, không còn dọa nạt được kẻ yếu bóng vía là tôi.

Sau một ngày đầy bận rộn, giấc ngủ sẽ đến nhanh thôi. Thèm quá cảm giác được duỗi dài chân tay trên chiếc giường êm ái, được mơ những giấc mơ ngọt lịm. Vậy mà lại thức trắng. Cốc cà phê đen đặc sánh không đường không đá đã làm cho tôi tỉnh hơn cả lúc ban ngày.

Nhớ buổi tối, lúc tôi đang nhấm nháp từng giọt cà phê, để tự nó thấm se se nơi cổ họng, anh bạn lớn tuổi đi cùng vốn là một nhiếp ảnh gia rất nhiệt tình và hiền hậu nhắc nhở đừng uống đặc như thế. Thấm lời anh nói, nhưng chẳng hề ân hận. Bởi đã đến đất Tuy Hòa, đã uống cà phê Tuy Hòa thì phải thưởng thức trọn vẹn hương vị của nó, dẫu có là đắng chát thế nào. Huống chi nó lại thơm, lại dịu, lại ngọt ngào vương mãi.

Quán cà phê ấy đẹp nhất thành phố ven bờ biển này, đẹp khiến mấy chủ quán cà phê “đỉnh” của Sài Gòn và Hà Nội chắc phải phát ghen lên, ghen trong thán phục và thèm muốn.

Quán cà phê gắn với câu chuyện của một con người có công đưa cà phê xứ này trở thành thương hiệu, từng được cả những ông chủ lớn đang chiếm lĩnh thị trường cà phê bây giờ tìm đến mầy mò học việc. Vậy mà con người ấy lại bất ngờ rời bỏ thế giới này.

Ông bị chết đuối trong một lần ra biển tắm. Người thân của ông tìm kiếm, thuê người thuê thuyền thuê lưới mò xác ông hoài không thấy. Vài ngày sau, ông bị sóng đánh dạt vào bãi biển. Xác đã trương lên rồi và không một mảnh vải che.

Vâng, anh đã kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời người từng là chủ thương hiệu cà phê Tùng nổi tiếng vượt ra ngoài lãnh thổ Phú Yên. Anh kể về ông như kể về một huyền thoại hiện đại của đất này.

Tôi nghe trong trạng thái của người khách xa chân ướt chân ráo. Cách làm giàu của ông, niềm đam mê sáng tạo trong kinh doanh của ông, rồi câu chuyện về những bà vợ và những đứa con... Có những điều tôi nhớ, có những điều tôi quên, nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất với tôi là cái chết đầy chất bi kịch của ông.

Chết bất đắc kỳ tử. Chết khi tuổi già chưa đến. Chết khi lòng ông còn bao say mê và tâm huyết với thương trường. Thương hiệu cà phê Tùng bây giờ vẫn được các con trai ông tiếp quản. Quán cà phê nằm dưới chân núi Nhạn sáng ánh đèn mỗi tối, ngát mùi thơm của hoa sứ, hoa đại, hoa ngâu và tấp nập người quen kẻ lạ, chỉ có điều vắng ông...

 Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Và đêm cuối: Câu chuyện về một người yêu quê

Anh nắm tay tôi đi dạo theo con đường dọc bờ biển. Bàn tay anh ấm nóng. Cái nắm tay chân thành và mạnh mẽ. Anh chỉ cho tôi khoảng sân rộng trước mặt, nơi ngày xưa chỉ là bãi cát, anh và bạn bè cùng lớp thường đá bóng, vật lộn và tắm biển.

Tuổi học trò của anh gắn với nơi này. Bãi cát xưa chỉ còn trong kí ức nhưng tôi tin anh vẫn nhớ từng dấu chân in trên cát, nhớ từng đường bóng, từng gương mặt bạn bè và chắc chắn anh vẫn chưa thôi mơ về nó. Đối diện với tuổi thơ của mình, làm sao có thể giả dối! Tôi tin vào điều ấy như tin vào tiếng sóng biển đang uỳnh oàng xô bờ kia, và cách sóng không xa, dây muống biển vẫn lặng lẽ bò lan trên bãi cát, những đóa hoa nở tím ngát, dịu dàng.

Tôi chưa gặp một người nào yêu quê như anh, yêu đến mải mê, đắm đuối. Yêu và chẳng hề ngần ngại truyền ngọn lửa tình yêu đó cho người đối diện, bất kể người đó là thân hay sơ.

Anh yêu biển, yêu ngọn gió Tuy Hòa ngang ngạnh phóng túng, yêu những cánh đồng chạy dài cần mẫn làm nên vựa lúa của miền Trung, yêu dòng sông Đà Rằng mênh mang sóng, yêu những cây cầu nối hai bờ xa cách...

Tôi cũng thấy núi Nhạn, núi Chóp Chài, núi Đá Bia ẩn chứa bao điều thiêng liêng thẳm sâu trong suốt hành trình cha ông mở cõi, thấy tiếng xứ “nẫu” chẳng hề khó nghe mà thân thiện lạ kì. Chính tình yêu quê hương nhiệt thành ấy đã và sẽ giữ anh, níu anh lại, để anh không mất hết sạch sành sanh cái chất phác thiệt thà nhà quê khi lao vào chốn tham vọng khôn cùng.

Và chỉ khi anh trở về trong bộ dạng nhà quê ấy, anh mới được sống chính là anh.

Còn lại là biển

Những phút cuối cùng ở lại Tuy Hòa, tôi lại tìm ra biển. Biển ngày tôi đến có phần lạnh lẽo, trời âm u lác đác vài hạt mưa vì ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới. Biển ngày tôi đi sáng bừng trong nắng sớm. Mặt trời đã thức dậy lâu rồi. Chỉ có tôi luôn là kẻ trễ tràng.

Nhưng tôi có một niềm tin mãnh liệt, một niềm tin như hối thúc. Có thể rồi đây khi trở lại nơi này, những gương mặt, những con người tôi đã biết, đã quen không còn dành chút nhớ nào cho tôi nữa, biển vẫn nhận ra tôi, vẫn đón tôi như một người tình đón một người tình. Tôi còn đợi chờ điều gì hơn thế nữa…

Vũ Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tan-van-thuc-voi-tuy-hoa-post691567.html