Tản văn: Trò chuyện hai ông cháu

Ngày xưa, khi ông bằng tuổi cháu bây giờ ấy, lúc nào không may bị ốm thì mới được mẹ ông cho nguyên một quả trứng gà mà ăn. Chứ đâu như bây giờ.

Từ hôm ông ra đến giờ ba cháu mua đủ thứ, lại còn đổi món liên tục cho ông ăn nữa.

Ông nội U90 bắt đầu câu chuyện với cô cháu gái kém ông 72 tuổi (cùng cầm tinh con Rồng) trong buổi tối sau bữa cơm một ngày chớm Thu mát mẻ. Câu chuyện gần như chỉ diễn ra một chiều: ông nói – cháu nghe vì ông nhiều chuyện để kể mà ông lại mới đi đo lại thính lực và bảo trì máy trợ thính về, còn cháu cứ chăm chú lắng nghe như một cô bé nghe chuyện… cổ tích, đôi khi nói được với ông vài câu thì phải nói đủ to và câu nói cần thật ngắn.

- Hồi xưa ấy mà, có những trưa hè nắng nóng như mùa hè năm nay, khi đó ông còn là trẻ con như cháu bây giờ, đôi khi lang thang ngoài đồng ruộng hay đi học về, thấy vũng trâu đằm mới mưa xuống nước trong, lúc đó lại đang khát nước bèn lội xuống khỏa khỏa tay rồi vốc nước ở trong đó uống luôn! Chứ đâu như bây giờ, người ta đã lắp đường ống nước sạch đến tận quê mình rồi cháu ạ.

- Thế uống nước không sạch như thế mà không bị ốm hả ông?

- Ừ thì có chứ, rồi trẻ con đứa nào bụng cũng ỏng, cũng to vì nhiều giun sán. Nhưng giun sán còn tẩy được chứ nếu là hóa chất độc hại thì còn nguy hiểm hơn cháu ạ.

Bamby lấy hoa quả trên đĩa đưa mời ông xong, câu chuyện lại tiếp tục:

- Hồi nãy ấy mà, khi ba cháu bảo cháu xới cơm cho ông, cháu muốn ông ăn nhiều cho khỏe nên xới nhiều. Nhưng cháu có biết quy tắc xới cơm mà các Cụ ngày xưa quy định không?

- Là quy tắc gì hả ông? – Cô cháu gái tò mò – Xới cơm mà cũng có quy tắc nữa hả ông?

- Có chứ - ông Nội cười – các Cụ ngày xưa nghiêm cẩn phép tắc lắm, làm gì cũng có quy tắc quy định cả. Quy tắc khi xới cơm là: một - ma, hai - chó, ba - người! Cháu có biết đó là gì không?

- Là gì hả ông? Sao lại có cả ma ở đây hả ông? – Bamby tròn mắt.

- Hà hà, quy tắc này là nếu có cúng giỗ phải cúng đồ thanh khiết chưa ai được đụng đến. Nên khi nồi cơm vừa chín mở nắp vung ra, chọn phần giữa nồi chỗ cơm ngon nhất, chỉ xới mỗi bát đúng một lần đũa cả, vậy nên các Cụ gọi tóm tắt là: một – ma.

Sau lần xới cơm cúng, nồi cơm ngày xưa thường được nấu bằng rơm, rạ hoặc củi, không phải bằng bếp điện như bây giờ nên nơi tiếp giáp giữa nồi và nắp vung thường bị tro, trấu, khói tràn vào làm phần cơm nơi xung quanh mép nồi bị bụi bẩn hoặc khét nên người ta thường lấy thìa múc phần cơm đó cho chó ăn. Do đó gọi đũa cơm tiếp theo là: hai – chó là vậy cháu ạ.

Xong phần cơm cúng, cơm cho con vật gần gũi và trung thành nhất thì đũa xới thứ ba mới giành cho người ăn. Vậy nên khi xới cơm vào bát mời ai ăn, dù ít dù nhiều thì người xới cũng xới ba lần, cháu nhớ nhé.

Cô cháu gái vừa học được một bài học nho nhỏ rất thú vị nên hào hứng cúi đầu gật gật:

- Dạ, cháu nhớ rồi ông ạ.

- Ừ! Năm nay cháu sang cấp Hai, là lớn rồi, sắp thành thiếu nữ rồi. Hồi chiều ông nghe ba cháu nói sang lớp Sáu cháu học chuyên tiếng Anh, không được chọn vào chuyên Toán vì thiếu giấy khen, thiếu thành tích. Chuyên tiếng Anh cũng tốt, nhưng ông nghĩ, học Ngoại ngữ có giỏi bằng mấy thì sau này ra đời cũng chỉ là thông ngôn thôi cháu ạ. Học chuyên Toán mới tốt, người ta nói "Toán học là ngôi đền thiêng của tất cả các bộ môn khoa học" mà. Cấp Hai cháu cố gắng nỗ lực lên, nhé, để lên cấp Ba có thể vào chuyên Toán. Nếu sau này không học trường Đại học nào khối Kỹ thuật như ba cháu, mà con gái học khối A Toán Lý Hóa vất vả lắm, khô cả người, thì cháu học khối D Toán Văn Ngoại ngữ cũng được, kiếm lấy cái nghề mà làm, mà nuôi thân. Nhưng phải học giỏi mới được, nhà mình ai cũng học giỏi cả. Như ba cháu đó, học rất giỏi. Người giàu mà không có học thức chỉ là giàu tạm thời, còn người nghèo mà không có học thức thì là nghèo vĩnh viễn, cháu nhớ chưa?

Nghe ông nội nói chuyện với cô cháu gái mà bố cháu còn phải dỏng tai lên nghe nữa là. Công nhận "người ngày xưa" được giáo dục bài bản, tư duy mực thước thông tuệ và các giá trị đến bây giờ đem dạy con cháu vẫn là chuẩn chỉnh bền lâu.

Cuối buổi nói chuyện, ông nội tuổi Thìn vẫn kịp tặng cô cháu gái tuổi Rồng câu thơ:

- "Trứng Rồng lại nở ra Rồng

Liu điu lại nở ra dòng liu điu".

Ông mong cháu ông rồi sẽ là một đứa tiến bộ, giỏi giang, nhé.

Nói chung từ bữa ông nội - vốn là con cụ Đồ nho ngày xưa kiêm hiệu trưởng nghỉ hưu ra Hà Nội tới giờ, hai ba con thấy mình cũng lịch sự, đàng hoàng, đứng đắn, đầu óc được mở mang hơn hẳn.

Lê Hồng Lam

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tan-van-tro-chuyen-hai-ong-chau-172240403163126594.htm