Tăng 10 % thuế tiêu thụ đặc biệt nước giải khát có đường, cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn

Việc đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường ở mức 10% trong Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến tham kham khảo được nhiều chuyên gia cho rằng cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn, tránh gây ra những 'cú sốc' với thị trường.

Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo Góp ý hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do VCCI tổ chức sáng nay ngày 11/7/2024.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến ngày 30/6/2024, bên cạnh chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm trước; ngành sản xuất thực phẩm tăng 13,6%..., thì chỉ số tồn kho của ngành đồ uống (rượu, bia, nước giải khát) tăng tới gần 30%. Trong khi đó, lợi nhuận thuần của toàn ngành sản xuất và kinh doanh đồ uống sau khoảng một năm kể từ khi đại dịch Covid-19 đã giảm tới 67%.

Bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội rượu bia, nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, mặc dù có những dấu hiệu phục hồi trong thời gian gần đây nhờ những hỗ trợ về mặt vĩ mô của Chính phủ và nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, nhưng công suất sản xuất của toàn ngành vẫn ở mức dưới 80%.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành đã và đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát kéo theo sự suy giảm xu hướng tiêu dùng toàn cầu, chi phí nguyên vật liệu gia tăng và sự đứt gãy cung cầu với biến động khó lường; đồng thời chịu nhiều sức ép từ các trách nhiệm tài chính mới như tái chế, giảm phát thải khí nhà kính cùng hàng loạt các loại phí môi trường đang dự kiến bổ sung mới như phí khí thải, phí nước thải..., với chi phí ước tính lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Do đó, một trong những vấn đề mà VBA đề xuất khi Bộ Tài chính thực hiện đánh giá tác động xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) ưu tiên những nghiên cứu đánh giá đặt vào bối cảnh thực tế, dựa trên các cơ sở khoa học, các báo cáo đánh giá tác động đầy đủ và toàn diện… nhằm giảm khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Văn Phụng - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cũng đã đưa ra những đánh giá phân tích quanh vấn đề này.

Theo Bộ Tài chính, việc đánh thuế TTĐB 10% đồ uống có hàm lượng đường trên 5g/100ml nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng tránh các bệnh như tiểu đường, béo phì, sâu răng và khi đánh thuế TTĐB 10%, giá bán tăng tương ứng cũng sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Phụng cho rằng, người tiêu dùng có thu nhập trung bình trở lên sẽ không thay đổi hành vi tiêu thụ nước giải khát nếu phải trả thêm 10% thuế do giá thành phát sinh gia tăng không quá lớn. Tỷ lệ thừa cân béo phì cao tập trung ở nhóm người tiêu dùng này ở khu vực thành thị.

Trong khi đó, người tiêu dùng thu nhập thấp sẽ do dự hoặc giảm chi tiêu, tiêu thụ nước giải khát nếu giá thành sản phẩm tăng thêm 10%. Phần lớn nhóm người tiêu dùng có thu nhập thấp tập trung ở khu vực nông thôn, nơi có tỷ lệ thừa cân béo phì thấp. Sự sẵn có của các loại nước uống đường phố như trà sữa, nước trái cây pha sẵn, trà sữa… cũng khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các loại nước giải khát có đường không bị ảnh hưởng bởi thuế TTĐB, nhưng lại tiềm ẩn các nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Dẫn chứng Báo cáo Nghiên cứu về tác động kinh tế, xã hội của thuế TTĐB đối với nước giải khát do Viện quản lý kinh tế trung ương thực hiện năm 2018 và cập nhật năm 2021, ông Phụng cho hay, nếu áp dụng thuế TTBĐ ở mức 10% đối với nước giải khát có đường thì nền kinh tế thiệt hại 880,4 tỷ đồng; GDP giảm 0,115%; thu nhập của người lao động từ sản xuất giảm 0,155%; lao động giảm 0,092% và thặng dư sản xuất giảm 0,083%; sản lượng mía đường giảm 28,8 nghìn tấn, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân trồng mía đường...

Ở góc độ về sức khỏe, PGS. TS Nguyễn Quang Dũng - Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam, Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội cho hay, những khảo sát và nghiên cứu đánh giá các nguyên nhân gây bệnh thừa cân béo phì tại Việt Nam cho thấy, nước giải khát có đường chỉ là một trong nhóm nhỏ tác nhân gây ra các bệnh liên quan đến thừa cân béo phí, nhất là ở trẻ nhỏ.

Trong đó, mất cân bằng dinh dưỡng với các loại thực phẩm chứa nhiều đường như ngũ cốc – tinh bột, rau củ quả, chất đạm, chất béo hay sữa và sản phẩm từ sữa cao hơn nhiều so với các loại đồ uống hoặc nước giải khát có đường. Ngoài ra, lười hoạt động thể chất cũng là nhóm nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân, béo phì. Việt Nam là một trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc.

“Nếu chỉ giảm tiêu thụ nước giải khát có đường thì không giải quyết thừa cân béo phí và các bệnh không lây nhiễm”, PGS. TS Nguyễn Quang Dũng nhấn mạnh.

Góp ý với Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, theo PGS. TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính, nguyên tắc thiết kế với thuế TTĐB với cơ sở tính thuế cần tõ ràng, cụ thể trong định nghĩa sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế. Trong đó, trọng tâm là công bằng giữa các nhà sản xuất gắn với hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và hiệu quả thu thuế.

Vấn đề lớn nhất ở đây đối với cơ quan soạn thảo khi xem xét là việc thuế suất tăng, người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm có giá rẻ hơn, bao gồm cả sản phẩm phi chính thức, từ đó gây hiệu quả ngược là thất thu thuế. Thực tế tại Vương quốc Anh, đầu năm 2023 tăng thuế đối với rượu dẫn tới tình trạng doanh số bán rượu giảm 20%, nguồn thu thuế từ rượu giảm 108 triệu bảng Anh, và đến cuối năm 2023 đã dừng tăng thuế. Vì vậy, ông Cường nhấn mạnh, tăng thuế đến mức nào để đạt mục tiêu NSNN là điều cần nghiên cứu kỹ lưỡng.

Theo tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường ở mức 10%. Nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao...

Bộ Tài chính ước tính thu thêm khoảng 2.400 tỷ đồng một năm, đồng thời giải thích rằng việc tăng thuế và giá sẽ góp phần giảm béo phì, tiểu đường và tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm khác trong tương lai, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từ đó, hệ thống y tế, bệnh viện cũng được giảm áp lực, quá tải.

Ninh Việt

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tang-10-thue-tieu-thu-dac-biet-nuoc-giai-khat-co-duong-can-phai-co-su-can-nhac-ky-luong-hon-post349179.html