Tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp

Tìm được công việc tốt, phù hợp ngay khi ra trường là điều mong muốn của tất cả sinh viên, song, thực tế không dễ dàng, nhất là khi thị trường lao động ngày càng cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Vì vậy, ngay từ khi bước chân vào giảng đường đại học, sinh viên cần có một kế hoạch học tập để phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra.

Ngày hội việc làm cho lao động trẻ
Giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm vượt kế hoạch
"Bệ đỡ" cho xuất khẩu lao động

Không chỉ kiến thức chuyên môn

Khi chưa nhận bằng tốt nghiệp, bạn Lê Nguyễn Ngọc Trâm (cựu sinh viên chuyên ngành Kế toán K16, Phân hiệu Ðại học Bình Dương tại Cà Mau (Phân hiệu)) đã có việc làm tại Công ty TNHH Bảo hiểm Hanwha Life Việt Nam và hiện đã là nhân viên cấp cao dịch vụ khách hàng. Ngọc Trâm chia sẻ: “Khi đi làm ngoài có kiến thức chuyên môn thì kỹ năng mềm là một lợi thế để tôi có thể phát triển công việc ổn định như hiện tại”.

Trong quá trình học tập tại trường, Trâm tham gia vào Ðội công tác xã hội, Ðội văn nghệ, Câu lạc bộ (CLB) lễ tân, tham gia chiến dịch Mùa hè xanh và các hoạt động do trường tổ chức. Khi đến thời gian thực tập, Trâm được trường giới thiệu địa điểm. Tại thời điểm năm cuối, nhà trường thường tổ chức ngày hội tuyển dụng, Trâm tham gia và nhờ đó tìm được việc làm vào tháng 7/2017, trước ngày nhận bằng tốt nghiệp 2 tháng.

Ngọc Trâm chia sẻ: “Kỹ năng mềm là một lợi thế để tôi có thể phát triển công việc ổn định như hiện tại”.

Ngọc Trâm chia sẻ: “Kỹ năng mềm là một lợi thế để tôi có thể phát triển công việc ổn định như hiện tại”.

“Trong quá trình học tập, tôi đã đi làm thêm những công việc do trường giới thiệu để nâng cao kỹ năng mềm, hỗ trợ công việc hiện tại rất nhiều”, Trâm cho biết.

Từng là cộng tác viên bán thời gian công tác tại Phòng Phát triển thị trường của Phân hiệu trước khi ra trường, chị Phạm Ngọc Cầm trở thành nhân viên chính thức tại đây, sau khi tốt nghiệp năm 2017. Năm 2019, chị chuyển công tác đến Phòng Quản lý đào tạo - Công tác sinh viên - Ðoàn Hội, phụ trách công tác thư viện.

Từng thử sức với công việc Marketing tại Trường Mầm non Hoàng Oanh (Phường 5, TP Cà Mau) 2 năm (2020-2021) và quay trở lại công tác tại Phân hiệu vào đầu năm 2022, là nhân viên Ban Quản lý đào tạo và Công tác sinh viên, phụ trách công tác thư viện và quản lý CLB Văn nghệ BDU.CM, chị Phạm Ngọc Cầm tâm tình: “Tôi là sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, được nhà trường hỗ trợ rất nhiều. Trong suốt quá trình học tại trường, tôi xác định luôn chuyên tâm học tập, nắm vững kiến thức. Cố gắng tham gia các hoạt động của Ðoàn trường, các CLB, đội, nhóm, nhờ vậy tôi có được nhiều cơ hội việc làm và ổn định như hiện nay”.

Theo chị Ngọc Cầm, việc tham gia một vài CLB, đội, nhóm có thể tìm ra điểm mạnh phát huy, điểm yếu để khắc phục. Nếu có thời gian nên đi làm thêm để có thể trải nghiệm và cách xử lý tình huống trong môi trường làm việc. Khi học năm ba hoặc năm cuối, nên tham gia các ngày hội tuyển dụng để có thể có kinh nghiệm phỏng vấn, kinh nghiệm làm sơ yếu lý lịch, trang bị cho bản thân lý lịch thiệt tốt trước khi bước vào môi trường chuyên môn.

Cơ hội việc làm... ở chính mình

Chị Phạm Ngọc Cầm khẳng định: "Cơ hội việc làm ở chính mình, tìm việc không khó, nhưng cái khó là làm sao để gắn bó với công việc đã chọn. Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngày nay hay có tư tưởng tìm việc nhẹ lương cao, trong khi bản thân chưa có kinh nghiệm, nên rất dễ dẫn đến nhảy việc”.

“Bằng cấp là một trong những yếu tố quyết định, tuy nhiên, làm trái ngành cũng không phải là vấn đề quá nan giải. Bản thân đã nắm chắc nền tảng kiến thức, biết tư duy, có kỹ năng mềm, chịu học hỏi và cầu tiến thì vẫn có thể phát triển được ở bất kỳ nơi đâu, bất cứ công việc nào. Ðó cũng là cơ hội để ta học thêm cái mới, thử thách và phát triển bản thân”, chị Ngọc Cầm tâm đắc. Chị Cầm cho biết, cùng khóa 16 với mình, các bạn sinh viên hầu hết đã có việc làm ổn định, và trước khi ra trường nhiều bạn đã có việc làm, thông qua những chương trình kết nối doanh nghiệp được tổ chức tại trường.

Theo chị Phạm Ngọc Cầm, sinh viên cần trang bị lý thuyết nền tảng, kiến thức thực tế và kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, kỹ năng mềm cùng thái độ làm việc tích cực, trung thực, cầu tiến. (Trong ảnh: Chị Ngọc Cầm hướng dẫn tân sinh viên sử dụng thư viện điện tử).

Theo chị Phạm Ngọc Cầm, sinh viên cần trang bị lý thuyết nền tảng, kiến thức thực tế và kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, kỹ năng mềm cùng thái độ làm việc tích cực, trung thực, cầu tiến. (Trong ảnh: Chị Ngọc Cầm hướng dẫn tân sinh viên sử dụng thư viện điện tử).

Qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, Phân hiệu đã đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên chính quy; bên cạnh đó, đào tạo sau đại học, liên kết với các trường đại học có uy tín để đào tạo các ngành đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Tiến sĩ Trịnh Huỳnh An, Phân hiệu trưởng Phân hiệu, thông tin, nhận diện được những khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp, nhà trường luôn có những kế hoạch dài hạn theo lộ trình để đảm bảo cho các em có cơ hội tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Cụ thể là lồng ghép những nội dung mang tính thực hành nghề nghiệp, đặt yêu cầu đầu ra cho các môn học là những bài tập mang tính thực tiễn để sinh viên va chạm thực tế. Từ năm nhất, sinh viên đã được tiếp xúc doanh nghiệp và hiểu họ cần gì để có 3 năm còn lại tự hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo, trường lồng ghép các học phần khởi nghiệp, tổ chức sinh hoạt CLB khởi nghiệp để sinh viên tiếp cận va chạm những sân chơi này.

“Thực tế khảo sát, có rất nhiều sinh viên trường sau khi tốt nghiệp đã khởi nghiệp thành công, có thu nhập ổn định. Ðây cũng chính là cách giảm tải được áp lực hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp”, Tiến sĩ Trịnh Huỳnh An phấn khởi.

Song song đó, trong 4 năm học, sinh viên được tiếp xúc với doanh nghiệp theo từng cấp bậc, từ học việc văn phòng, lễ tân đón khách, đến những năm cuối sẽ là những công việc chuyên ngành... Trường phối hợp với doanh nghiệp nhằm tạo việc làm bán thời gian theo đúng chuyên ngành, những em ưu tú được các doanh nghiệp quan tâm và tuyển dụng khi vừa tốt nghiệp. Ngoài ra, nhà trường còn ký kết ghi nhớ hợp tác (MOU) cùng các đơn vị giới thiệu việc làm tại TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh để mở rộng cơ hội việc làm cho các bạn có nhu cầu làm việc ngoài tỉnh.

Tiến sĩ Trịnh Huỳnh An cho rằng, tại Cà Mau số lượng doanh nghiệp chưa nhiều so với một số tỉnh, thành lớn, mức thu nhập chưa cao, vì thế việc làm tại chỗ hiện nay cũng là một thử thách lớn.

“Với những định hướng sắp tới của tỉnh, hy vọng sẽ có rất nhiều cơ hội mới được mở ra. Trên cơ sở những chiến lược phát triển giai đoạn tiếp theo của tỉnh, các cơ sở đào tạo xác định ngành nghề trọng tâm để cung ứng nguồn nhân lực tại chỗ, giải quyết được đúng chỗ thiếu, xóa chỗ thừa. Như vậy vấn đề việc làm sẽ được giải quyết hiệu quả hơn”, Tiến sĩ Trịnh Huỳnh An kỳ vọng.

Là thế hệ sinh viên đi trước, đối với Ngọc Trâm, Ngọc Cầm, mong muốn tỉnh nên có nhiều ngày hội việc làm để sinh viên thử sức, để tìm được môi trường phù hợp với bản thân. Ðồng thời, có chính sách đảm bảo sự công bằng, không phân biệt trường công lập và trường ngoài công lập; tạo môi trường đầu tư thuận lợi, phát triển kinh tế để tăng thêm cơ hội việc làm; hỗ trợ các dự án khởi nghiệp có tiềm năng...

Băng Thanh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tang-co-hoi-viec-lam-sau-khi-tot-nghiep-a31500.html