Tăng cường an toàn lao động trong thi công xây dựng

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương phải dừng thi công xây dựng nếu phát hiện vi phạm quy định về an toàn lao động dẫn đến nguy cơ cao gây mất an toàn trên công trường xây dựng…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ Xây dựng vừa có công văn 2661/BXD - GĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.

Công văn của Bộ cho biết thời gian gần đây, hoạt động thi công xây dựng công trình đã xảy ra một số sự cố mất an toàn lao động nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, để lại hậu quả lâu dài cho gia đình người bị nạn và xã hội. Đơn cử như sự cố gây mất an toàn lao động xảy ra ngày 17/4/2025 tại khu công nghiệp Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã làm 3 người thiệt mạng; sự cố gây mất an toàn lao động xảy ra ngày 31/12/2024 tại công trình thủy điện Đăk Mi, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum làm 05 người thiệt mạng.

Thực hiện Công điện số 42/CĐ-TTg ngày 18/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại Khu công nghiệp Đất Cuốc; hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp, các ngành, các chủ thể liên quan đến hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn áp dụng liên quan đến an toàn trong thi công xây dựng công trình.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các yêu cầu tại Văn bản số 6288/BXD-KHCN ngày 12/11/2024 của Bộ Xây dựng về tăng cường công tác quản lý hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; hoạt động thử nghiệm, chứng nhận đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy, thiết bị sử dụng trong thi công xây dựng.

Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các địa phương nghiên cứu, thực hiện tốt một số nội dung.

Thứ nhất là chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc tăng cường tổ chức kiểm tra kết hợp với tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn lao động trên địa bàn. Thông qua công tác hướng dẫn, kiểm tra, nếu phát hiện những bất cập, tồn tại, hạn chế, đề nghị các địa phương chủ động đề xuất giải pháp, biện pháp khắc phục, sửa đổi, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn để đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Thứ hai là trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, yêu cầu các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng phải có biện pháp khắc phục ngay, tập trung bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người lao động; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. Dừng thi công xây dựng nếu phát hiện các vi phạm quy định về an toàn lao động dẫn đến nguy cơ cao gây mất an toàn trên công trường xây dựng.

Thứ ba là yêu cầu các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng tăng cường thực hiện các quy định, biện pháp đảm bảo an toàn lao động: quy định trách nhiệm đến từng bộ phận và các cá nhân quản lý, trực tiếp thi công; rà soát, bổ sung các quy định, quy trình, biện pháp đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn áp dụng, các quy chuẩn kỹ thuật hiện hành; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, huấn luyện, nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật sâu rộng đến từng bộ phận và người lao động; tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật tại đơn vị, tại các công trình xây dựng.

Theo yêu cầu của Bộ Xây dựng tại công văn trên, các địa phương phải báo cáo kết quả thực hiện về Bộ trước ngày 15/6/2025 (số 37 phố Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội). Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng giao Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn bổ sung nếu có nội dung phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện; tổng hợp kết quả báo cáo trước ngày 10/7/2025.

Phan Nam

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tang-cuong-an-toan-lao-dong-trong-thi-cong-xay-dung.htm