Tăng cường các hoạt động an toàn, vệ sinh lao động ngành GTVT
Công đoàn GTVT Việt Nam hướng dẫn các cấp công đoàn tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024.
Công đoàn GTVT Việt Nam hướng dẫn các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong tháng 5/2024; với chủ đề: "Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng".
Theo Công đoàn GTVT Việt Nam, các hoạt động hưởng ứng nhằm tạo cao điểm truyền thông, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động trong toàn chuỗi cung ứng sản xuất và dịch vụ; tăng cường kiểm soát các nguy cơ, rủi ro và bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc; chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động, giảm thiểu các vụ tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp xảy ra hàng năm.
Cùng đó, thúc đẩy công tác phối hợp giữa tổ chức công đoàn với các cơ quan chức năng, chính quyền đồng cấp và người sử dụng lao động trong việc triển khai các chương trình, hành động cụ thể về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, phát động thi đua, đẩy mạnh phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ, góp phần xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc.
Công đoàn GTVT Việt Nam yêu cầu, các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ gắn với Tháng Công nhân năm 2024; kỷ niệm 138 năm Ngày Quốc tế Lao động 1/5; các hoạt động chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024).
"Các hoạt động hưởng ứng cần đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thu hút sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan truyền thông, doanh nghiệp và đoàn viên, người lao động", Công đoàn ngành yêu cầu.
Về nội dung tổ chức, Công đoàn ngành hướng dẫn các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở trực thuộc đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, chia sẻ các kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm tốt về công tác ATVSLĐ.
Tăng cường năng lực đối thoại, thương lượng tập thể về ATVSLĐ. Nội dung đối thoại, thương lượng tập thể thiết thực, gắn với công tác ATVSLĐ như: tiền lương trả cho giờ làm thêm, bữa ăn ca, độ dài thời giờ làm việc trong ngày, trong tuần, bố trí ca kíp; thời giờ nghỉ giải lao phù hợp; ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ, chế độ nghỉ hàng năm, chế độ nghỉ về việc riêng, nguyên tắc và các trường hợp huy động làm thêm giờ, các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động...
Chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các chương trình hành động cụ thể về đảm bảo ATVSLĐ, huấn luyện, phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ, giảm căng thẳng tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng môi trường làm việc an toàn, "Xanh - Sạch - Đẹp", thân thiện; nâng cao ý thức chấp hành nghiêm nội quy, quy trình và các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc...
Công đoàn GTVT Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường tổ chức các hoạt động tự đánh giá, kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình ATVSLĐ trong các phân xưởng, tổ, đội sản xuất theo quy định. Chủ động đề xuất phối hợp với các sở, ban, ngành trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát ATVSLĐ, tập trung vào một số ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.