Tăng cường chia sẻ, đẩy mạnh giao lưu văn hóa Việt- Trung
Ngày 27.4 tại Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội phối hợp cùng BQL Phố Sách Hà Nội tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa Trung–Việt với chủ đề 'Hương mực hòa nhịp Hồng Hà sóng - Sách thơ đồng điệu Việt-Hán vần'.

hoạt động giao lưu văn hóa Trung–Việt với chủ đề “Hương mực hòa nhịp Hồng Hà sóng - Sách thơ đồng điệu Việt-Hán vần”
Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam- Trung Quốc, Năm Giao lưu Nhân văn Việt – Trung và hưởng ứng sáng kiến toàn cầu của Ngày Thế giới Đọc sách với chủ đề “biến việc đọc trở thành phong cách sống”, thúc đẩy phong trào đọc sách, tăng cường chia sẻ văn hóa và giao lưu văn minh giữa Trung Quốc và Việt Nam, làm sâu sắc thêm và kế thừa tình hữu nghị truyền thống của hai quốc gia.
Thông qua các hoạt động như giao lưu và chia sẻ về những tác phẩm văn học kinh điển của Trung Quốc và Việt Nam, sự kiện nhằm khám phá những điểm tương đồng và khác biệt trong văn hóa hai nước, góp phần làm phong phú thêm các hoạt động kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Trung, Năm Giao lưu Nhân văn Việt-Trung.

Ông Trịnh Đại Vĩ, Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam
Phát biểu tại sự kiện, ông Trịnh Đại Vĩ, Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng hữu nghị, núi liền núi, sông liền sông, văn hóa tương thông, cùng thuộc không gian văn hóa phương Đông.
Từ việc lưu truyền các thư tịch chữ Hán cổ cho đến ảnh hưởng sâu rộng của tư tưởng Nho gia, từ tác phẩm kinh điển Hồng Lâu Mộng được yêu thích rộng rãi tại Việt Nam, đến tuyệt phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du được dịch thuật và trân trọng tại Trung Quốc, sách luôn là cầu nối quan trọng trong hành trình giao lưu văn hóa giữa hai nước.

“Những tác phẩm kinh điển không chỉ ẩn chứa tinh hoa trí tuệ và tâm hồn của hai dân tộc, mà qua từng con chữ còn truyền tải khát vọng hòa bình, sự tìm kiếm chân lý và niềm tin vào những điều tốt đẹp.
Suốt hàng nghìn năm qua, nhân dân hai nước Trung Quốc- Việt Nam đã không ngừng đọc, cảm và sẻ chia những tác phẩm văn học kinh điển của nhau, nhờ đó hai dân tộc dần vượt qua những khác biệt bằng sự đồng điệu văn hóa, gắn kết bằng tri thức, cùng hướng tới nhận thức chung về một Cộng đồng chia sẻ tương lai mang ý nghĩa chiến lược, từ đó làm sâu sắc thêm sự hiểu biết, tăng cường tình hữu nghị…”, theo ông Trịnh Đại Vĩ.

Nhiều hoạt động thu hút được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện
Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cũng cho rằng, sự kiện lần này là hành động cụ thể tiếp nối tình hữu nghị truyền thống, làm sâu sắc thêm sự gắn kết giữa nhân dân hai nước.
Ông bày tỏ hy vọng rằng thông qua sự kiện, hoạt động giao lưu văn hóa Việt - Trung sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần giúp nhân dân hai nước – đặc biệt là thế hệ trẻ có thể mở rộng tầm nhìn quốc tế qua việc đọc, trở thành những “người cảm thụ” sự đa dạng văn minh nhân loại; truyền tải giá trị nhân văn thông qua những trang sách, trở thành những “người thúc đẩy” đối thoại văn hóa.
Đồng thời, xây dựng những cây cầu kết nối thông qua tri thức, trở thành những “người truyền tải” tình hữu nghị lâu dài giữa hai dân tộc.

Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc phát biểu tại sự kiện
“Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động hợp tác sâu rộng giữa hai nước trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, học thuật, xuất bản…, đóng góp thiết thực vào việc thúc đẩy giao lưu và học hỏi lẫn nhau giữa nền văn minh Trung Quốc và Việt Nam.
Chúng tôi mong muốn ngày càng có thêm nhiều bạn bè cảm nhận được sức hút độc đáo của văn hóa hai nước, để tình hữu nghị Việt – Trung trong kỷ nguyên mới luôn rạng rỡ và bền vững”, ông Trịnh Đại Vĩ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc khẳng định, hoạt động giao lưu văn hóa Việt-Trung được tổ chức lần này rất có ý nghĩa.

Các diễn giả tại hoạt động giao lưu, chia sẻ về nội dung và ý nghĩa của các tác phẩm văn học cổ kinh điển Việt- Trung
Việt Nam và Trung Quốc có hai nền văn hóa tương thông do lịch sử ngàn năm để lại. Trong giao lưu văn hóa giữa hai nước, hai dân tộc, sách là một cầu nối vô cùng quan trọng.
Với người Việt Nam, 4 bộ tiểu thuyết kinh điển nổi tiếng nhất của Trung Quốc là Thủy hử, Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký, Hồng Lâu mộng đã trở nên quen thuộc. Ít ai không biết đến Đường thi, Tống thi. Người Trung Quốc cũng từng biết đến Đại thi hào Nguyễn Du qua Kim Vân Kiều truyện…

Hoạt động giới thiệu và tặng sách Tuyển chọn thơ cổ Trung Quốc
Ngày nay, trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, truyền thông đa phương tiện tiện lợi trong giao lưu học hỏi, sách vẫn có vai trò đặc. Sách phản ánh một cách sâu sắc và đi đến tận cùng của tư duy.
“Trong công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc và sự nghiệp đổi mới của Việt Nam, việc trao đổi kinh nghiệm, tham khảo và học hỏi lẫn nhau giữa hai quốc gia thành điểm sáng trong quan hệ hai nước. Mặc dù có nhiều cuộc trao đổi trực tiếp bằng tọa đàm, hội thảo, nhưng sâu sắc nhất vẫn là sách…”, ông Nguyễn Vinh Quang nhấn mạnh.


Trải nghiệm trong không gian văn hóa tại sự kiện
Trong chuỗi hoạt động giao lưu nhân văn Việt-Trung năm 2025, chương trình “Hương mực hòa nhịp Hồng Hà sóng - Sách thơ đồng điệu Việt-Hán vần” là hoạt động có ý nghĩa thúc đẩy giao lưu, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc tin tưởng, từ hoạt động này, chúng ta càng coi trọng vai trò của sách và văn hóa đọc, đồng thời càng tăng cường công tác chuyển ngữ và trao đổi sách giữa hai nước.

Các đại biểu và độc giả yêu sách, sinh viên các trường Đại học tham dự chương trình chụp ảnh lưu niệm
Tại chương trình, các diễn giả đã mang đến cho người nghe phần giao lưu, chia sẻ thú vị về nội dung và ý nghĩa của các tác phẩm văn học cổ kinh điển Việt- Trung.
Ngoài ra còn có nhiều hoạt động hấp dẫn như giới thiệu tuyển chọn thơ cổ Trung Quốc, trải nghiệm không gian văn hóa, biểu diễn nghệ thuật với các tiết mục đậm sắc màu văn hóa Việt- Trung…