Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc

Tham gia dự án JICA, các hợp tác xã nông nghiệp không chỉ cải thiện chất lượng sản phẩm (rau, củ) đáp ứng tiêu chuẩn GAP, VietGAP mà còn mở rộng được kênh bán hàng.

Đó là kết quả nổi bật mà Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam” đạt được. Dự án do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai tại 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Sơn La.

Trong 5 năm triển khai (2022 - 2026), dự án đặt ra mục tiêu thúc đẩy sản xuất bền vững cây trồng an toàn tại các vùng dự án, trong đó tăng lợi nhuận trên mỗi đơn vị diện tích cây trồng an toàn của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp mục tiêu; các HTX nông nghiệp mở rộng kênh bán hàng so với thời điểm khảo sát ban đầu.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng JICA làm việc tại xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, Nam Định.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng JICA làm việc tại xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, Nam Định.

Lợi nhuận cao hơn trước

HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Giao Hà, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định là HTX quy mô toàn xã. Nếu trước đây, nông dân chỉ trồng rau theo phương thức truyền thống, giá cả không ổn định, có thời điểm ế thừa phải đổ bỏ, thì nay vùng sản xuất 6,48 ha của HTX đã được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn. Sản phẩm rau như bắp cải, su hào, súp lơ và dưa lê đều được thương lái thu mua với giá cao hơn trước.

HTX định hướng tới đây sẽ cung cấp rau an toàn vào các kênh tiêu thụ như: Nhà phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm, bếp ăn tập thể tại các trường học, công ty… Đồng thời, HTX mong muốn liên kết với khách hàng là các đơn vị chế biến và xuất khẩu.

“Kể từ khi tham gia vào dự án, chúng tôi được tập huấn về quy trình kỹ thuật, khử trùng đất bằng năng lượng mặt trời, ủ phân hiếu khí, tất cả ruộng rau đều sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Chúng tôi thấy rằng chất lượng rau hơn trước, sản xuất theo nhu cầu của người tiêu dùng nên rau không tồn dư như trước.

Vụ rau đông xuân 2024 - 2025, mỗi ha thu lợi nhuận 60 - 70 triệu đồng, cao gấp đôi so với trước, nông dân rất phấn khởi”, ông Phùng Văn Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Giao Hà chia sẻ.

Xây dựng chuỗi giá trị cây trồng an toàn

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: “Đây là dự án kỹ thuật, nhóm chuyên gia JICA cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tăng cường năng lực cho người sản xuất. Ngoài quy trình sản xuất an toàn, bà con phải tiếp cận thị trường tiêu thụ. Chúng tôi mong muốn, sau dự án này, những người sản xuất cũng như người quản lý đều được tăng cường năng lực và như vậy sẽ trở thành một chuỗi an toàn từ sản xuất, xây dựng thương hiệu cho đến kênh bán hàng”.

Trong năm 2025, Ban quản lý dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam” sẽ đúc rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, biên tập thành tài liệu kỹ thuật để hướng dẫn cụ thể hơn nữa cho những người sản xuất.

Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ kết nối mạnh mẽ hơn nữa để nông dân đưa những sản phẩm rau, củ an toàn vào các kênh bán hàng tiềm năng.

Vùng sản xuất tập trung rau an toàn của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Giao Hà.

Vùng sản xuất tập trung rau an toàn của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Giao Hà.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, từ khi bắt đầu khởi động dự án, Ban quản lý dự án Trung ương phối hợp cùng các Ban quản lý dự án tại địa phương 7 tỉnh và nhóm chuyên gia JICA mỗi năm đều thực hiện triển khai các hoạt động: Đào tạo tập huấn ToT, đào tạo tập huấn ToF, hội thảo/tọa đàm nâng cao nhận thức…

Các chuyên gia JICA thường xuyên làm việc trực tiếp với các HTX mục tiêu, nhằm xác định những vấn đề tồn đọng, khó khăn và đưa ra giải pháp cho các HTX để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm. Việc kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả của dự án được triển khai thường xuyên nhiều lần mỗi năm.

Ban Quản lý dự án Trung ương và nhóm chuyên gia JICA tổ chức họp định kỳ mỗi tháng một lần để nắm bắt tình hình kịp thời.

Giai đoạn thử nghiệm (năm 2023): Dự án hỗ trợ 100% kinh phí kỹ thuật (tương đương 150 triệu đồng) cho 18 HTX thuộc 7 tỉnh. Các HTX tham gia được đào tạo về sản xuất và tiếp thị cây trồng an toàn theo phương pháp của JICA.

Giai đoạn nội hóa (năm 2024): Dự án hỗ trợ 50% kinh phí kỹ thuật (tương đương 75 triệu đồng) cho 21 HTX trong vùng dự án; phần còn lại do địa phương đối ứng. Tập trung nâng cao năng lực quản lý sản xuất và tiếp thị cho các HTX, đồng thời thúc đẩy liên kết thị trường.

Giai đoạn thể chế hóa (năm 2025): Dự án dự kiến lựa chọn 31 HTX tham gia, với kinh phí hoàn toàn do địa phương đảm nhận. Phương pháp tiếp cận của JICA sẽ được tích hợp vào các hoạt động khuyến nông thường xuyên của địa phương, đảm bảo tính bền vững sau khi dự án kết thúc.

Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam” được thực hiện từ 2022 – 2026. Dự án đưa ra 7 tiêu chí để lựa chọn các HTX tham gia bao gồm: Tự nguyện, HTX có diện tích tối thiểu 1 héc-ta, sản phẩm chủ yếu bán thông qua mối trung gian nhỏ lẻ tại địa phương, cam kết sản xuất theo quy trình, đáp ứng tiêu chí của dự án...

Dự án đặt ra chỉ số cụ thể gồm: Tăng thêm 20% lợi nhuận/đơn vị diện tích cây trồng an toàn của các HTX nông nghiệp mục tiêu so với thời điểm khảo sát cơ bản; trên 30% các HTX nông nghiệp mở rộng kênh bán hàng so với thời điểm khảo sát cơ bản.

ĐÀO NHÀN

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tang-cuong-chuoi-gia-tri-cay-trong-an-toan-tai-cac-tinh-phia-bac-ar927322.html