Tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp cùng các ngành, đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp duy trì các mô hình điểm; tổ chức dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, chăm sóc sức khỏe cho học viên tại Cơ sở điều trị nghiện tỉnh, phạm nhân cải tạo tốt.
Cơ sở điều trị nghiện tỉnh thực hiện tốt việc tiếp nhận điều trị cai nghiện cho học viên gồm: học viên bắt buộc, đối tượng xã hội, cai nghiện tự nguyện. Từ khi tiếp nhận học viên, Cơ sở phối hợp khám sức khỏe ban đầu, định kỳ, tổ chức cắt cơn cai nghiện. Đồng thời phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp lấy mẫu kiểm tra HIV; Bệnh viện Da liễu khám da liễu cho học viên tại Cơ sở. Các học viên được tạo điều kiện tham gia hoạt động thể thao, lao động để tăng hiệu quả trị liệu như: học nghề đan gia công, trồng rau xanh, nuôi cá...
Để học viên tự tin tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện, Cơ sở điều trị nghiện tỉnh phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Cao Lãnh mở các lớp dạy nghề: sửa kiểng bonsai, kỹ thuật tạo móng tóc, công nhân xây dựng, hàn điện, hớt tóc nam. Đặc biệt, trước khi tái hòa nhập cộng đồng, mỗi học viên sẽ được cán bộ tư vấn và hướng dẫn xây dựng kế hoạch tái hòa nhập. Trên cơ sở kế hoạch tái hòa nhập của học viên, Cơ sở điều trị nghiện tỉnh gửi văn bản đến UBND xã, phường, thị trấn - nơi học viên cư trú biết để có kế hoạch tiếp nhận, quản lý, phân công giúp đỡ theo nguyện vọng của học viên. Năm 2024, các mô hình điểm về “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” được duy trì hiệu quả tại các xã: Mỹ Tân (TP Cao Lãnh), Tân Khánh Đông (TP Sa Đéc)... Cùng với đó, người từng nghiện ma túy trở về cộng đồng nhận được sự động viên của gia đình, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác vận động học nghề, giới thiệu việc làm, tiếp cận nguồn vốn vay từ “Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng” tạo việc làm, có thu nhập ổn định, hạn chế tái nghiện.
Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, phòng, chống tệ nạn xã hội đến người dân, học sinh, sinh viên thông qua triển khai, thực hiện các đề án, dự án, hội thi, cuộc thi. Ngành LĐ-TB&XH đã treo hơn 140 băng-rôn, khẩu hiệu; tổ chức gần 200 cuộc tuyên truyền, phát hơn 2.000 tờ rơi cung cấp địa chỉ Điểm tư vấn chính sách pháp luật; cung cấp thông tin, hỗ trợ người nghiện và gia đình có người nghiện ma túy qua số điện thoại tư vấn miễn phí; tuyên truyền chính sách pháp luật trên hệ thống thông tin và truyền thanh ở các xã, phường, thị trấn...
Sở LĐ-TB&XH, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Trại giam Cao Lãnh phối hợp tổ chức nhiều hoạt động dành cho các phạm nhân cải tạo tốt. Từ đó, giúp phạm nhân được tiếp nhận và trao đổi thông tin cần thiết, bổ ích về cơ hội nghề nghiệp, gặp gỡ các công ty, đơn vị, tuyển dụng lao động. Đồng thời tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao, các buổi đọc sách, mời chuyên gia, tấm gương nghị lực từng vượt qua khó khăn, biến cố để giao lưu, sinh hoạt tạo động lực cho các phạm nhân đang cải tạo tốt có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Thực hiện các nhiệm vụ được giao trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng điều trị nghiện cho học viên. Cùng với đó, tham gia cùng các ngành triển khai nhân rộng “Mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng”. Thực hiện tốt hoạt động điểm tư vấn chính sách, pháp luật tại cộng đồng về công tác điều trị, cai nghiện cho người sử dụng, người nghiện ma túy. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt bổ ích, cần thiết cho học viên tại Cơ sở điều trị nghiện tỉnh. Chú trọng công tác đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp cho học viên, phạm nhân cải tạo tốt giúp họ tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống và cai nghiện ma túy. Cùng với lực lượng Công an và các ngành liên quan duy trì xã, phường, thị trấn được công nhận không có ma túy và các địa phương đăng ký phấn đấu không có tệ nạn ma túy hoặc không có tệ nạn ma túy, mại dâm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp Công an các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật phòng, chống tệ nạn xã hội đến với học sinh, sinh viên, học viên.