Tăng cường giám sát để bảo vệ môi trường
HNN - Huế đang chuyển mình trở thành đô thị di sản - văn hóa, nhưng giữ được 'hồn cốt' vùng đất Cố đô không thể thiếu môi trường sống trong lành. Đợt giám sát chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Huế về việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 đã lộ ra bức tranh nhiều mảng màu – từ những nỗ lực đáng ghi nhận đến các điểm nghẽn cần được tháo gỡ nhanh chóng.

Công nhân làm việc tại Cụm Công nghiệp Thủy Phương
Nỗ lực từ thể chế đến hành động
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Phương nhiều lần nhấn mạnh, môi trường được xác định là một trong những trụ cột quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững của thành phố. Việc ban hành và thực thi kịp thời các văn bản hướng dẫn không chỉ là nền tảng pháp lý mà còn là điều kiện để các cấp, ngành và người dân cùng đồng hành, chung sức xây dựng Huế xanh, sạch, đẹp hơn.
Ngay sau khi Luật BVMT 2020 chính thức có hiệu lực, UBND TP. Huế nhanh chóng ban hành Kế hoạch 263/KH-UBND nhằm triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: truyền thông rộng rãi, xây dựng văn bản pháp quy và nâng cao năng lực thực thi cho hệ thống chính quyền địa phương.
Theo đánh giá của Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH thành phố, đến thời điểm hiện tại, thành phố đã ban hành 19 văn bản quy phạm pháp luật về BVMT trong tổng số 22 văn bản thuộc thẩm quyền, cho thấy sự chủ động và nghiêm túc trong thực hiện các quy định của Luật BVMT mới.
Thực tế thời gian qua, công tác BVMT có những chuyển biến rất đáng ghi nhận. Điển hình như hệ thống cấp giấy phép môi trường được tổ chức theo đúng quy trình, đảm bảo tính minh bạch và không gây cản trở cho các tổ chức, doanh nghiệp. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố đạt mức 90 đến 95%, trong khi Nhà máy điện rác Phú Sơn đã vận hành hiệu quả, xử lý đến 81% tổng lượng rác phát sinh hàng ngày. Đây là một bước tiến quan trọng, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do chôn lấp rác gây ra. Đồng thời, các hoạt động giáo dục và truyền thông về BVMT được tổ chức rộng khắp, từ các phường, xã đến trường học, cơ quan, đơn vị, tạo thành phong trào sâu rộng trong cộng đồng.
Không chỉ chú trọng khâu tuyên truyền, TP. Huế còn tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về môi trường. Từ năm 2022 - 2024, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính 58 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng. Những mức xử phạt này không chỉ là con số thể hiện sự quyết liệt trong quản lý mà còn gửi đi thông điệp rõ ràng môi trường không thể trở thành cái giá phải trả cho sự phát triển kinh tế.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Thị Sửu nhận định, những biện pháp xử phạt nghiêm khắc này chính là bước chuyển mình quan trọng trong cách tiếp cận BVMT, nhằm đảm bảo rằng luật pháp được thực thi nghiêm minh và có hiệu quả thực chất.

Phong trào Ngày Chủ nhật xanh đang lan tỏa trong cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường
Đầu tư chưa đồng bộ, thực thi còn vướng mắc
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, song từ giám sát, Đoàn ĐBQH thành phố cũng chỉ ra hàng loạt điểm nghẽn, đặc biệt là trong thực thi chính sách quản lý chất thải, đầu tư hạ tầng kỹ thuật môi trường và quản lý cụm công nghiệp.
Một trong những tồn tại đáng lưu ý là việc phân loại rác tại nguồn, nội dung được xem là then chốt để thực thi nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” - vẫn còn triển khai mang tính hình thức tại nhiều địa phương. Nhiều phường, xã chưa thực hiện đúng quy định, trong khi phương án giá dịch vụ thu gom theo trọng lượng hay thể tích vẫn chưa rõ ràng.
Về hạ tầng môi trường trong cụm công nghiệp, dù có tới 9 cụm đã được quy hoạch, nhưng hầu hết đều thiếu hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ phải “tự bơi”, dẫn đến tình trạng xử lý không đạt chuẩn hoặc bỏ qua quy trình xử lý. Đây là nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các khu dân cư lân cận.
Ông Huỳnh Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty CP Viên nén năng lượng Huế cho rằng: “Hệ thống quan trắc, xử lý nước thải tại Cụm Công nghiệp Thủy Phương chưa được đầu tư khiến hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn”.
Theo bà Nguyễn Thị Sửu, đợt giám sát lần này không chỉ đơn thuần là kiểm tra việc chấp hành pháp luật mà còn là một cơ hội để nhận diện vấn đề, từ đó kiến nghị hoàn thiện chính sách. “Tôi đánh giá cao việc thành phố đã đặt vấn đề môi trường trong chiến lược phát triển bền vững. Nhưng nếu không giải quyết được bài toán đầu tư cho hạ tầng môi trường, chúng ta sẽ đối mặt với áp lực rất lớn khi Huế đô thị hóa nhanh,” bà Sửu nói.
Đoàn giám sát đã đề xuất nhiều kiến nghị cụ thể, đặc biệt là việc điều chỉnh quy định về giá dịch vụ thu gom rác phù hợp thực tiễn; ban hành hướng dẫn phân loại rác tại nguồn mang tính khả thi; đẩy nhanh đầu tư các hệ thống xử lý nước thải tại cụm công nghiệp và làng nghề; bố trí ngân sách đủ cho công tác môi trường ở cấp xã.
Một đề xuất đáng chú ý là xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường đồng bộ và số hóa quy trình quản lý rác thải, đặc biệt trong bối cảnh thành phố đang triển khai phần mềm giám sát lộ trình thu gom rác.
Đợt giám sát của Đoàn ĐBQH thành phố có thể xem là điển hình về cách tiếp cận toàn diện trong kiểm tra việc thực thi chính sách môi trường. Giữ cho Huế mãi xanh - đó không chỉ là khẩu hiệu mà còn là cam kết chính trị, trách nhiệm xã hội và là mệnh lệnh của lương tri trong thời đại mà khủng hoảng môi trường đang trở thành thách thức toàn cầu.