Tăng cường hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia
Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn coi phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia như tội phạm mạng, tội phạm buôn người là một trong những ưu tiên trong chính sách an ninh quốc gia, đồng thời tích cực hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức về an ninh mạng toàn cầu.
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh về an ninh biên giới diễn ra tại Thủ đô London của Vương quốc Anh, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã tham gia các phiên họp về đấu tranh chống tội phạm buôn bán người, tội phạm trên không gian mạng và ngăn chặn nguồn tài chính của các nhóm tội phạm. Tại đây, Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh, sự phát triển bùng nổ của các công nghệ mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, dữ liệu nhanh… đã và đang làm không gian mạng cũng như cuộc sống con người thay đổi sâu sắc cả về chất và lượng. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích to lớn không thể phủ nhận, những thành tựu công nghệ thông tin mới và các dịch vụ, ứng dụng thông minh trên không gian mạng cũng làm xuất hiện nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Lương Tam Quang và các đại biểu dự Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh biên giới được tổ chức tại London, Vương quốc Anh
Tại Việt Nam, thời gian gần đây, tội phạm triệt để lợi dụng mạng xã hội, các nền tảng trực tuyến để lừa gạt, dụ dỗ người Việt Nam đi nước ngoài làm việc với hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao”, “thu nhập ổn định”, sau đó ép buộc làm việc trong các cơ sở kinh doanh sòng bạc hoặc lừa đảo trực tuyến. Trước tình hình trên, Bộ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ, Việt Nam ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật, chương trình, kế hoạch quan trọng về phòng chống mua bán người và di cư bất hợp pháp, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, kiên quyết đẩy lùi loại tội phạm này, góp phần thực hiện mục tiêu “bảo vệ an ninh con người”.
Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam thời gian qua đã tham gia tích cực vào nỗ lực chung toàn cầu trong việc giảm thiểu và chấm dứt tình trạng buôn người. Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia và thực hiện cam kết của Hiệp định Liên hợp quốc về buôn bán người và Hiệp định hợp tác khu vực ASEAN trong việc ngăn chặn các tội phạm xuyên biên giới, trong đó có tội phạm buôn người. Các cam kết này không chỉ giúp Việt Nam tăng cường hợp tác với các quốc gia khác mà còn tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý các vụ án liên quan đến buôn người và bảo vệ quyền lợi của nạn nhân. Việt Nam còn tích cực tham gia vào các tổ chức quốc tế như Interpol, ASEAN và Liên hợp quốc để tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin về tội phạm buôn người.
Bên cạnh các hiệp định quốc tế, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước. Các quy định pháp lý về phòng, chống buôn người liên tục được cải tiến, đồng thời tăng cường xử lý nghiêm minh các đối tượng buôn bán người. Một trong những dấu ấn quan trọng là việc ban hành Bộ luật Hình sự sửa đổi vào năm 2015, trong đó quy định các tội phạm liên quan đến buôn người, giúp nâng cao khả năng điều tra, truy tố và xét xử các vụ án này. Gần đây nhất, tháng 11-2024, Quốc hội đã thông qua luật Phòng chống mua bán người, trong đó bổ sung quy định về khái niệm “mua bán người”; sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ xác định nạn nhân.
Việt Nam cũng chú trọng đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng về nạn buôn người. Từ năm 2016, Việt Nam lấy ngày 30-7 là ngày “Toàn dân phòng, chống mua bán người” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi loại tội phạm mua bán người. Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân. Các cơ quan chức năng phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự trong nước để cung cấp hỗ trợ thiết thực cho những nạn nhân sau khi được giải cứu.
Để có “Công ước Hà Nội” về phòng, chống tội phạm mạng
Cùng với sự phát triển nhanh của Internet, đặc biệt là các nền tảng mảng xã hội xuyên biên giới, tội phạm mạng đã trở thành một vấn đề toàn cầu với những hệ lụy ngày càng nghiêm trọng. Theo thống kê, trong năm 2023, tội phạm mạng đã gây thiệt hại cho kinh tế thế giới khoảng 8.000 tỷ USD và dự báo sẽ lên tới 10.500 tỷ USD vào năm 2025, lớn hơn GDP của hầu hết nền kinh tế lớn nhất thế giới. Với Việt Nam, thống kê trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận trong năm 2023 có gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP; trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022, tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.
Nhằm ứng phó với tội phạm mạng ngày càng nguy hiểm, tinh vi Việt Nam đã tích cực sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn trong việc đấu tranh với loại tội phạm xuyên biên giới này. Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ và quy định các biện pháp thu thập, bảo quản chứng cứ điện tử. Một số văn bản pháp luật khác liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã được ban hành, như: Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; Luật Giao dịch điện tử năm 2015... Đối với những hành vi vi phạm hành chính, việc xử phạt được áp dụng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan.
Với chức năng của mình, Bộ Công an đã phối hợp các cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội An ninh mạng ban hành các quy định, hướng dẫn và đồng hành cùng các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện nhiều biện pháp để phòng chống lừa đảo trên không gian mạng. Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an triển khai nhiều nhiệm vụ công tác nhằm huy động sức mạnh, hình thành thế trận toàn dân phòng chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Cùng với việc tích cực, chủ động phòng chống tội phạm mạng, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình đàm phán Công ước Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng cũng như các công tác triển khai thực thi công ước này, cùng với kế hoạch về việc đàm phán Nghị định thư của Công ước. Với 9 chương và 71 điều, Công ước khẳng định yêu cầu phải có sự tham gia của tất cả các quốc gia trong phòng, chống tội phạm mạng, góp phần thu hẹp những khác biệt giữa pháp luật các nước, thiết lập cơ chế hợp tác chuyên trách 24/7, qua đó thúc đẩy hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên biên giới hiệu quả hơn.
Xuyên suốt 8 kỳ họp của Ủy ban chuyên trách, Việt Nam luôn tham gia tích cực, chủ động và có những đóng góp thực chất cho nội dung Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng. Chính nhờ tinh thần thiện chí, xây dựng, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ quan điểm, Việt Nam được Liên hợp quốc và các quốc gia đối tác tin tưởng, đánh giá cao trong toàn bộ tiến trình đàm phán Công ước. Vì vậy, khi Việt Nam đề xuất trở thành nước chủ nhà đăng cai Lễ ký Công ước lịch sử này, chúng ta đã nhận được sự ủng hộ tích cực, rộng rãi từ bạn bè quốc tế. Theo quy định tại Điều 64 của Công ước, Công ước sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội trong năm 2025 và sẽ có tên gọi là “Công ước Hà Nội”.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang dự Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh biên giới tại Vương quốc Anh
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh biên giới được tổ chức tại London, Vương quốc Anh, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có các cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh, Pháp và các cuộc gặp song phương với lãnh đạo các cơ quan thực thi pháp luật một số nước.
Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Lương Tam Quang và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Yvette Cooper
Tại Hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Yvette Cooper, hai bên nhất trí cho rằng, thời gian qua, Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Anh đã hợp tác chặt chẽ về các vấn đề di cư, quản lý xuất nhập cảnh; hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, xác minh, điều tra tội phạm mua bán người và đưa người di cư trái phép liên quan đến công dân hai nước; phối hợp triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác liên quan di cư, phòng, chống mua bán người; tổ chức thành công 3 cuộc Đối thoại di cư xuất nhập cảnh Việt Nam - Anh cấp Thứ trưởng...
Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Lương Tam Quang và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Bruno Retailleau
Tại Hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Bruno Retailleau, hai bên đánh giá, thời gian qua trên cơ sở quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, quan hệ hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Pháp đã đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực phòng, chống các loại tội phạm; phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phối hợp đào tạo nâng cao năng lực gìn giữ hòa bình cho cán bộ Công an Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Lương Tam Quang gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Nội vụ và Di trú Ireland Jim O'Callaghan
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng Lương Tam Quang cũng đã có các cuộc gặp song phương với Tổng Tư lệnh An ninh biên giới Vương quốc Anh Martin Hewitt; Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Fernando Grande-Marlaska và Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Nội vụ và Di trú Ireland Jim O'Callaghan… nhằm cụ thể hóa khuôn khổ quan hệ hợp tác chiến lược, toàn diện với các nước trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.