Tăng cường kết nối: Hành lang kinh tế trong một thế giới đa cực
Trong kỷ nguyên kết nối ngày càng tăng giữa các khối khu vực và toàn cầu, những hành lang kinh tế đang có đà trở thành một trong những động lực chính của các sáng kiến kết nối như vậy.
Giáo sư, Tiến sĩ Kashif Hasan Khan, giảng viên Khoa Kinh tế tại Đại học Quốc tế Ala-Too ở Bishkek, Kyrgyzstan nhận định, trong kỷ nguyên kết nối ngày càng tăng giữa các khối khu vực và toàn cầu, các hành lang kinh tế đang có đà trở thành một trong những động lực chính của các sáng kiến kết nối như vậy. Hành lang kinh tế không phải là một hiện tượng mới: Con đường tơ lụa là một trong những mạng lưới thương mại liên vùng tiền hiện đại nổi tiếng nhất. Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa hiện đại đã làm thay đổi các chiến lược kinh tế toàn cầu, làm tăng tính khả thi của các dự án kết nối, đặc biệt là ở thế giới ngoài phương Tây.
Hành lang kinh tế liên kết các trung tâm thương mại, có xu hướng trở thành cụm các nguồn lực và chủ thể kinh tế quan trọng (tức là các ngành công nghiệp hàng đầu, cơ sở giáo dục, quản lý) tập trung ở các trung tâm đô thị lớn. Các hành lang kinh tế đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực và toàn cầu.
Một trong những động lực chính cho sự phát triển của các hành lang kinh tế là BRICS (khối gồm 5 nền kinh tế đang phát triển quan trọng: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Các nước BRICS có vai trò đáng kể đối với những vấn đề khu vực và toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Họ là một nhóm đa dạng trải rộng trên nhiều châu lục và có dân số đáng kể, diện tích lãnh thổ rộng lớn và tài nguyên thiên nhiên phong phú.
Một yếu tố hợp tác quan trọng trong khuôn khổ BRICS là việc thiết lập các hành lang kinh tế, vốn đạt được tốc độ nhanh chóng do tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối. Các hành lang kinh tế là sự thể hiện nỗ lực của các nước BRICS nhằm tăng cường liên kết kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập khu vực.
Tuy nhiên, những thành tựu và kết quả của những nỗ lực này có thể bị ảnh hưởng bởi những trở ngại về nguồn vốn, xung đột địa chính trị, những vấn đề sinh thái và sự chậm trễ trong việc thực hiện dự án. Dù vậy, BRICS đã tích cực thúc đẩy các hành lang kinh tế quan trọng vì những sáng kiến này phù hợp với mục tiêu bao trùm của khối là giảm bớt quyền bá chủ của phương Tây và thiết lập một trật tự toàn cầu đa cực.
Hiện có 3 hành lang kinh tế quan trọng: Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Hành lang Giao thông Quốc tế Bắc-Nam (INSTC) và Hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu (IMEEC), sẽ được trình bày cụ thể dưới đây:
Đầu tiên là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn do Trung Quốc dẫn đầu. Kể từ khi thành lập vào năm 2013, Trung Quốc đã chi khoảng 1 nghìn tỷ USD cho các dự án ở châu Á, châu Âu và châu Phi và có thể đầu tư tổng cộng lên tới 8 nghìn tỷ USD.
BRI không chỉ chứa đựng khía cạnh kinh tế trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư xuyên lục địa mà còn xây dựng một trật tự liên khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm, tập trung vào các ưu tiên của Bắc Kinh. BRI đóng vai trò là diễn đàn để Trung Quốc tạo ra các phạm vi ảnh hưởng, trong đó Sri Lanka, Myanmar, Pakistan và Djibouti là những ví dụ đặc biệt đáng chú ý về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. BRI có tiềm năng to lớn để đảo ngược các chuẩn mực toàn cầu hiện tại do phương Tây chi phối và tạo ra một trật tự mới thay thế.
Thứ hai là Hành lang Vận tải Quốc tế Bắc-Nam, do Nga, Ấn Độ và Iran khởi xướng vào năm 2001. Từ quan điểm của Ấn Độ và Iran, dự án đóng vai trò là cửa ngõ vào các thị trường ở Trung Á, Caucasus, Nga và có tiềm năng là châu Âu. INSTC cũng có thể giúp Iran vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây vốn từ lâu đã làm tê liệt sự phát triển kinh tế của nước này.
Dù dự án có ngân sách nhỏ hơn nhiều so với BRI và trải qua nhiều năm tiến độ chậm chạp, động lực của INSTC đã tăng lên sau xung đột Nga - Ukraine năm 2022. Do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Ukraine, Nga có nhu cầu cấp bách trong việc củng cố mối quan hệ thương mại Á-Âu mạnh mẽ hơn, và do đó INSTC đang trở thành một kênh ngày càng quan trọng để thực hiện điều đó.
Ví dụ, Nga tuyên bố quan tâm đến việc đầu tư hàng triệu USD cho các dự án cơ sở hạ tầng đường sắt ở các quốc gia như Trung Quốc, Kazakhstan và Mông Cổ, cũng như các dự án bổ sung ở Iran và Azerbaijan. INSTC không phải là một dự án lớn như BRI; thay vào đó, nó liên quan đến nhiều bên liên quan đang tìm cách điều chỉnh kết nối Bắc-Nam theo các ưu tiên quốc gia và địa chính trị của họ. Các tổ chức cho vay đa phương như Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Phát triển Á-Âu và Ngân hàng Phát triển Hồi giáo đã tài trợ cho các dự án liên quan đến INSTC. Trong tương lai, INSTC có khả năng cạnh tranh với BRI cũng như các sáng kiến thương mại do phương Tây thúc đẩy.
Thứ ba là Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEEC). Vào ngày 10/9/2023, Biên bản ghi nhớ (MoU) đã được chính phủ Ấn Độ, Mỹ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Pháp, Đức, Italy và EU ký kết trong Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi.
Việc thiết lập các liên kết kinh tế dọc biên giới phía nam của lục địa Á-Âu thông qua hành lang ngày càng phát triển và đa dạng này có khả năng thay đổi các tuyến thương mại trong khu vực Trung Đông, châu Âu và Ấn Độ Dương. Mục tiêu của dự án là xây dựng một hệ thống đường sắt đi qua Saudi Arabia và Jordan để nối UAE với Israel. Từ đó, tuyến đường sắt sẽ tiếp tục nối với tuyến hàng hải để đến các cảng EU ở Địa Trung Hải, đặc biệt là cảng Piraeus của Hy Lạp và kết nối với lục địa châu Âu.
IMEEC có thể giảm đáng kể thời gian và chi phí vận chuyển, giảm bớt sự phụ thuộc vào eo biển Bab el-Mandeb và kênh đào Suez dễ bị tổn thương, đồng thời có khả năng đóng vai trò là giải pháp thay thế BRI do Trung Quốc khởi xướng - điều này giúp giải thích sự ủng hộ của Mỹ và EU đối với sáng kiến này.
Sự trỗi dậy của các hành lang kinh tế đã đặt ra những vấn đề mới với các tổ chức đa phương hàng đầu thời hậu Thế chiến thứ hai, như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và NATO. Một trong những khác biệt cơ bản giữa hai hệ thống này là: Các tổ chức đa phương cũ được coi là các liên minh chính thức, bị ràng buộc bởi các quy tắc chung. Ngược lại, hành lang kinh tế là quan hệ đối tác không chính thức - các quốc gia thành viên có thể sử dụng các diễn đàn này để thảo luận về lợi ích chung, nhưng có thể quay lại ưu tiên lợi ích quốc gia của mình khi không có mục tiêu chung.
Ấn Độ là minh chứng rõ ràng cho xu hướng ngày càng tăng hướng tới các mô hình phi chính thức trên. Trong khi Ấn Độ và Trung Quốc tham gia các diễn đàn đa phương như BRICS, họ cạnh tranh với nhau thông qua các hành lang kinh tế đối thủ như BRI (Trung Quốc), INSTC và IMEEC (Ấn Độ). Tương tự như vậy, Trung Quốc và Nga hiện đang có căng thẳng gia tăng với phương Tây, nhưng Ấn Độ cân bằng các liên minh của mình bằng cách tương tác với cả BRICS và các tổ chức do phương Tây thống trị như G7, G20 và Quad (Bộ tứ).
Như vậy, thế giới hiện đang trải qua quá trình chuyển đổi từ các tổ chức đa phương chính thức sang các hành lang kinh tế và nói rộng hơn là các tổ chức liên chính phủ không chính thức và các hình thức hợp tác khác nhau giữa một số quốc gia. Câu hỏi đặt ra là những thay đổi này có ảnh hưởng thế nào đến môi trường địa chính trị toàn cầu. Trên thực tế, các nền kinh tế thúc đẩy hợp tác thông qua các hành lang kinh tế đang thay đổi phương thức quản trị xuyên biên giới. Các thỏa thuận củng cố hình thức quản trị toàn cầu này là tự nguyện và không liên kết với các hình thức hợp tác chính thức khác như các tổ chức khu vực.
Xung đột nổi bật nhất giữa “cũ và mới” - về mặt thể chế đa quốc gia chính thức và hành lang kinh tế phi chính thức - được đại diện bởi Mỹ và Trung Quốc. Trong bối cảnh Mỹ đang mất đi ưu thế toàn cầu, nhiều quốc gia đang cân nhắc xem nên phụ thuộc vào Mỹ hay Trung Quốc. Trung Quốc đang sử dụng các diễn đàn như BRICS và BRI để thu hút đối tác. Về phần Mỹ, kể từ thành công của các cuộc họp G7 vào năm 2021, nước này đã cố gắng đưa ra các giải pháp thay thế khả thi cho BRI của Trung Quốc. Mối quan tâm hiện tại của Mỹ đối với IMEEC là kết quả từ những nỗ lực đó.
Các chủ thể toàn cầu lớn khác, đặc biệt là ở Trung Đông, đang sử dụng các hành lang kinh tế và các chiến lược không chính thức để tối đa hóa lợi ích trong một trật tự toàn cầu đang chuyển đổi. Saudi Arabia, UAE và Iran đều gia nhập BRICS vào năm 2024. Hơn nữa, Saudi Arabia và UAE đã ủng hộ BRI và là thành viên sáng lập của IMEEC.
Trước bối cảnh các quốc gia hành lang kinh tế thuộc BRICS chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng tỷ trọng GDP toàn cầu, trong khi G7 chiếm tỷ trọng ngày càng giảm, Saudi Arabia và UAE đang điều chỉnh để thích nghi với thế giới đa cực này bằng cách tham gia vào các dự án hành lang kinh tế. Họ muốn có những chính sách đối ngoại ngày càng không liên kết để không từ bỏ kết nối với phương Tây, nhưng muốn gặt hái những lợi ích từ các hành lang kinh tế và mở rộng thị trường của họ trong khu vực cũng như “Nam toàn cầu”.