Tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục trong nhà trường

Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục đối với nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Những năm qua, công tác KĐCLGD được ngành giáo dục thực hiện định kỳ đối với từng cơ sở giáo dục và kết quả kiểm định được công khai để xã hội biết và giám sát.

Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục đối với nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Những năm qua, công tác KĐCLGD được ngành giáo dục thực hiện định kỳ đối với từng cơ sở giáo dục và kết quả kiểm định được công khai để xã hội biết và giám sát.

Thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức thực hiện KĐCLGD, qua các năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã xây dựng kế hoạch công tác KĐCLGD đối với các cấp học. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới công tác bồi dưỡng năng lực thực hiện việc tự đánh giá cho lãnh đạo các cơ sở giáo dục và có sự giám sát chặt chẽ việc cải tiến chất lượng các cơ sở giáo dục đã được đánh giá ngoài. Đến nay, 100% trường học ở tất cả các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh hoàn thành tự đánh giá, trong đó có gần 61% trường học được đánh giá ngoài. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các nội dung về KĐCL và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các nhà trường thực hiện các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục.

Theo đánh giá, hoạt động đánh giá ngoài rất quan trọng, được thực hiện nghiêm túc nhằm xác định mức độ đạt được tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục của các trường học. Thông qua đó, giúp các nhà trường đã tự đánh giá mức độ đạt được về chất lượng giáo dục, xác định thực trạng về chất lượng, hiệu quả công tác GD&ĐT; tiến hành tự điều chỉnh kế hoạch GD&ĐT đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng về tổ chức và quản lý nhà trường; về cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục. Ở tỉnh ta, 100% cơ sở giáo dục đăng ký đánh giá ngoài đều đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Như với hệ thống các trường THCS chất lượng cao trên địa bàn, ngoài việc phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 theo quy định, còn phải đạt các tiêu chuẩn khác về: tổ chức và quản lý nhà trường (trường có không quá 32 lớp học, mỗi lớp học có không quá 35 học sinh); có chương trình giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá phù hợp (trong đó, phải xây dựng được các chủ đề liên môn; bổ sung chương trình nâng cao nhằm phát triển tài năng, năng khiếu học sinh đối với các môn học, như: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh để học sinh lựa chọn; sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học mở, hiện đại để học sinh có được trải nghiệm, khám phá và làm quen với công tác nghiên cứu khoa học…); cơ sở vật chất bảo đảm cả về số lượng và chất lượng; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có trên 90% giáo viên đạt trình độ trên chuẩn, 100% giáo viên thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, 100% giáo viên xếp từ loại khá trở lên về chuẩn nghề nghiệp (trong đó, có ít nhất 80% xếp loại xuất sắc), có ít nhất 60% giáo viên dạy giỏi cấp huyện và 30% giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, tỉ lệ giáo viên tối thiểu phải đạt 2,5 giáo viên/lớp. Đặc biệt, có các dịch vụ giáo dục chất lượng cao và cam kết chất lượng giáo dục, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh; hằng năm có 80% học sinh đạt học lực khá, giỏi, không có học sinh yếu-kém; kết quả học tập và rèn luyện tính theo năm học ít nhất 90% số học sinh có sự tiến bộ…

Cô giáo Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Tiến (thị xã Duy Tiên) cho biết: Với sự quan tâm từ nhiều phía, điều kiện dạy học và chất lượng giáo dục của nhà trường đã từng bước đáp ứng các yêu cầu của trường chất lượng cao. Qua công tác KĐCLGD cho thấy, nhà trường đã cơ bản bảo đảm môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện, cởi mở; học sinh được tư vấn tâm lý, nghề nghiệp tương lai, sức khỏe giới tính, phương pháp học tập, phát triển và quản lý bản thân. Trên cơ sở tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của học sinh, cha mẹ học sinh đối với giáo viên, các hoạt động và dịch vụ giáo dục của nhà trường, đa số học sinh và cha mẹ học sinh đều thể hiện niềm tin, sự hài lòng về chất lượng giáo dục của nhà trường.

Với sự quan tâm của các cấp, ngành, theo kết quả KĐCLGD, Trường THCS Nguyễn Hữu Tiến (Duy Tiên) cơ bản đáp ứng các yêu cầu phát triển trường học chất lượng cao. Ảnh: Hà Trần

Quá trình tự đánh giá của các nhà trường đã được thực hiện đúng hướng dẫn, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai và khoa học, theo các bước: thành lập hội đồng tự đánh giá thành viên (với đầy đủ các thành phần: cấp ủy chi bộ, ban giám hiệu, tổ chuyên môn, phụ trách các tổ chức đoàn thể trong trường; có sự phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên theo chức năng, năng lực mỗi thành viên); xây dựng kế hoạch tự đánh giá; thu thập, xử lý và phân tích các minh chứng; đánh giá mức độ đạt được theo từng tiêu chí; viết báo cáo tự đánh giá; công bố báo cáo tự đánh giá. Với cách làm đó, các nhà trường tự xem xét, tự kiểm tra, chỉ ra các điểm mạnh, điểm yếu của từng tiêu chí; xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng và các biện pháp thực hiện để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Đồng thời, qua đó xác định mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn của nhà trường; thông báo công khai về thực trạng chất lượng giáo dục để cơ quan chức năng đánh giá và công nhận nhà trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Hơn thế, khi hoàn thành thực hiện tự đánh giá chất lượng giáo dục, các nhà trường biết mình đang ở cấp độ nào, mức độ uy tín của nhà trường… để có định hướng phát triển phù hợp.

Hà Trần

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/tang-cuong-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-trong-nha-truong-84604.html