Tăng cường kiểm tra chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa

Trước tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên môi trường thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ; có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm để có sức cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu…

Tiếp tục chương trình phiên chất vấn, chiều nay, 4.6, Quốc hội tiến hành chất vấn với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn trước Quốc hội và đồng bào cử tri, Nhân dân cả nước.

Ba thách thức lớn trong trong thương mại điện tử tại Việt Nam

Mở đầu phiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng (TP. Hồ Chí Minh) nêu rõ, hoạt động thương mại điện tử thời gian qua đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và lợi dụng cả thương mại điện tử để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Các hành vi vi phạm này ngày càng tinh vi và khó lường, cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động và có diễn biến phức tạp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Hoàng (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Hoàng (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu đề nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, để hạn chế và ngăn chặn hoạt động của thương mại điện tử và hành vi vi phạm của nhóm đối tượng này nhằm hướng tới phát triển thương mại điện tử lành mạnh và bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng thì sẽ triển khai những giải pháp như thế nào?

Cùng quan tâm đến hoạt động thương mại điện tử, ĐBQH Dương Minh Ánh (Hà Nội) nêu rõ, một trong những hạn chế của thương mại điện tử là khó xây dựng lòng tin của người tiêu dùng. Trong đó, vấn đề bảo mật và an toàn thông tin cá nhân cũng như các trường hợp vi phạm dữ liệu cá nhân và gian lận thương mại khiến cử tri lo lắng, do dự khi tiến hành thanh toán trực tuyến. "Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp về vấn đề trên?" - đại biểu nêu câu hỏi.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, trong thương mại điện tử, Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức rất lớn.

Một là người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân. Hai là, hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp chưa được kiểm soát chặt chẽ, đã và đang sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng. Ba là thất thu thuế.

Khẳng định có tình trạng lộ lọt, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định 55 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, có bổ sung nhiệm vụ của tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2024, sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành chức năng, đặc biệt là Bộ Công an, trong việc xây dựng Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm các quy định của pháp luật toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thương mại điện tử; đẩy mạnh truyền thông về các quy định mới của pháp luật về Nghị định hướng dẫn; yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh tuân thủ xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin và yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử phải công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

Về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ hàng Việt, Bộ trưởng thừa nhận, các đại biểu đã phản ánh đúng về tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thông qua thương mại điện tử, thâm nhập vào thị trường gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh cho đến các doanh nghiệp sản xuất ở trong nước.

Trước tình trạng này, Bộ Công Thương đã thường xuyên khuyến nghị với doanh nghiệp sản xuất trong nước phải chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhất là trên môi trường thương mại điện tử.

Bộ cũng đã trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định hướng dẫn; triển khai Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử và triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng qua thương mại điện tử.

Thời gian tới, "Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các bộ, ngành chức năng tham mưu với Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử theo hướng tách bạch giữa luồng hàng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử để tăng cường quản lý người bán nước ngoài qua các kênh thương mại điện tử. Tham mưu Chính phủ xem xét bãi bỏ các quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ để tránh tình trạng nhập khẩu qua thương mại điện tử, cạnh tranh với hàng trong nước mà không bị áp thuế. Ngoài ra, sẽ có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm để có sức cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu..." - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Các đại biểu tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Về chống thất thu thuế, Bộ trưởng cho biết, nộp thuế trong hoạt động thương mại điện tử năm 2023 đạt gần 100.000 tỷ đồng, tăng 16,1% so với năm 2022, song vẫn còn thất thu thuế trong lĩnh vực này.

Theo quy định hiện hành, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì quản lý trong lĩnh vực thuế. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với ngành thuế và Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện việc rà soát và tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử.

Khẳng định những giải pháp nêu trên, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử, chia sẻ liên thông với các bộ, ngành liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hải quan. Khẩn trương hoàn thành kết nối hệ thống giữa cơ quan chức năng của Bộ Công Thương và Tổng Cục thuế để trao đổi dữ liệu các website ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng và website ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trong tháng 6.2024.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong việc thực hiện áp dụng định danh điện tử cho người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế. Tích cực phối hợp với Tổng Cục Thuế trong việc thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân hoạt động trên lĩnh vực thương mại điện tử không kê khai nộp thuế, Bộ trưởng nói.

Quy trình tiếp nhận và công khai website vi phạm rất chặt chẽ

Nêu thực tế, Bộ Công Thương hiện đang công khai các website bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên Cổng thông tin hoạt động thương mại điện tử, song đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) đề nghị Bộ trưởng cho biết, việc công khai này có vô tình tiếp tay cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không? Bộ đang thực hiện cơ chế nào để xác minh thông tin trước khi công khai?

Các đại biểu tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Thương mại điện tử là mô hình kinh doanh hiện đại và tiện lợi, nhưng do đặc thù của môi trường mạng, nên để tăng cường quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã công khai danh sách các website thương mại điện tử bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Nêu rõ vấn đề trên, Bộ trưởng cho biết, bên cạnh tác dụng của biện pháp này thì cũng có thể bị lợi dụng để các đối thủ cạnh tranh nói xấu nhau. Do đó, Bộ đã thực hiện quy trình tiếp nhận và công khai thông tin rất chặt chẽ. Theo đó, trước hết chỉ công khai những website có trên 5 ý kiến phản ánh kèm theo thông tin đầy đủ về người phản ánh. Yêu cầu các website bị phản ánh phải giải trình, sau khi xác minh rõ nội dung phản ánh thì mới công khai danh sách có dấu hiệu vi phạm. Như vậy, hạn chế tối đa việc đối thủ lợi dụng để nói xấu nhau, Bộ trưởng khẳng định.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, đó là vận hành và nâng cấp cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử; đẩy mạnh xử lý khiếu nại của người tiêu dùng trực tuyến. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm giảm thiểu tối đa các hành vi không lành mạnh trong môi trường thương mại điện tử. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật. Thông tin, hướng dẫn người tiêu dùng nâng cao kỹ năng giao dịch trên môi trường thương mại điện tử. Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để tăng cường truyền thông cho xã hội, đặc biệt là người tiêu dùng phải là người tiêu dùng thông thái nhằm tránh được hiện tượng lừa đảo trên thương mại điện tử.

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/tang-cuong-kiem-tra-chat-che-ve-nguon-goc-xuat-xu-hang-hoa-i374497/