Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về dược và an toàn thực phẩm
Sáng ngày 7/5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực dược và an toàn thực phẩm. Hội nghị do Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì. Tham gia có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và đại diện các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng, lãnh đạo Sở Y tế cùng đại diện các sở, ngành liên quan tham dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG PHÚC
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo về các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, đặc biệt là việc phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân. Công tác quản lý chất lượng và phòng, chống thuốc giả luôn được Chính phủ, Bộ Y tế và các ngành chức năng quan tâm. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an trong việc phát hiện, xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng, điển hình như vụ thuốc giả tại Thanh Hóa. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 41 và Công điện số 55 nhằm chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Cùng với đó, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành, ban hành các văn bản chỉ đạo, công khai danh sách thuốc giả và xây dựng kế hoạch hành động cụ thể. Hiện nay, ngành dược Việt Nam có hơn 238 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO và khoảng 20.000 thuốc có số đăng ký còn hiệu lực. Hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh với thuốc giả được quy định rõ ràng trong Luật Dược, Bộ luật Hình sự và các nghị định, chỉ thị liên quan.
Đối với công tác phòng, chống thực phẩm giả, Bộ Y tế cho biết, tình trạng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm giả, kém chất lượng thời gian qua diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, nhất là đối với các mặt hàng như sữa bột, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, gia vị… Các sản phẩm này được làm giả tinh vi, khó phân biệt với hàng thật, chủ yếu tiêu thụ qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Trong giai đoạn 2020 - 2024, cơ quan chức năng đã xử lý hàng trăm vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm giả, trong đó nhiều vụ có dấu hiệu hình sự. Nguyên nhân chủ yếu là do lợi nhuận cao, phương thức làm giả tinh vi, nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế và hệ thống quản lý chưa chặt chẽ.
Để đối phó, Bộ Y tế đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp như tăng cường thanh tra, hậu kiểm, thu hồi sản phẩm vi phạm, cảnh báo người tiêu dùng và nâng cao nhận thức cộng đồng. Công tác này được thực hiện theo hướng liên ngành, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng tập trung thảo luận về công tác quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc và đấu tranh chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng; thực phẩm chức năng...
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm và dược phẩm. Mặc dù công tác thanh tra, kiểm tra tại địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác này để ứng phó kịp thời với các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi. Thứ trưởng yêu cầu các địa phương triển khai đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực thực phẩm và dược phẩm; tăng cường công tác truyền thông nâng cao ý thức người dân.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các đơn vị trong ngành y tế tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tăng cường xử lý vi phạm và bảo vệ sức khỏe của người dân.