Tăng cường phân cấp cho địa phương đồng thời với nâng cao năng lực, cá thể hóa trách nhiệm là thiết thực tiết kiệm

'Ngay trong công tác phân bổ và sử dụng ngân sách, việc tăng cường phân cấp cho địa phương; tránh phải 'xin - cho', đồng thời với nâng cao năng lực, khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm của các cấp, ngành chính là một hình thức tiết kiệm hiệu quả nhất', đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phát biểu.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM)

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM)

Sau phát biểu nhậm chức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2020.

Ghi nhận những thành quả phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công tác điều hành ngân sách nói riêng, đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhấn mạnh: “Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp GDP tăng trưởng trên 7%, tổng thu ngân sách tăng trên 10%; song Chính phủ đã tiết kiệm chi. Thu tăng, chi giảm; bội chi chỉ 2,67% GDP, nhờ đó chúng ta đã kéo giãn được nợ công. Đó là những nỗ lực cần phát huy trong giai đoạn tới”.

Liên quan đến THTK, CLP, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong nhiều loại tiết kiệm thì tiết kiệm thời gian là hết sức quan trọng. “Ngay trong công tác phân bổ và sử dụng ngân sách, việc tăng cường phân cấp cho địa phương; tránh phải “xin - cho”, đồng thời với nâng cao năng lực, khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm của các cấp, ngành chính là một hình thức tiết kiệm hiệu quả nhất”, ĐB Trần Hoàng Ngân phát biểu.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) kiến nghị, tăng cường tính cạnh tranh giữa chính quyền các địa phương là một giải pháp tốt trong THTK, CLP.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định)

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định)

ĐB phân tích: “Vừa qua, cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (chỉ số PCI) đã thúc đẩy các tỉnh thành nâng cao hiệu quả hoạt động. Tới đây, đề nghị các bộ nghiên cứu, phối hợp xây dựng bộ chỉ số hiệu quả sử dụng ngân sách cho từng lĩnh vực cụ thể (như giao thông, y tế, giáo dục…), để các địa phương cùng nỗ lực phấn đấu, học hỏi những mô hình tốt”.

Thẳng thắn nhận định rằng Báo cáo của Chính phủ về THTK, CLP “nói kỹ về tiết kiệm mà còn nhẹ về lãng phí”, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phản ánh, cử tri nhân dân bức xúc nhất về tình trạng lãng phí trong đầu tư công.

Theo ĐB, việc giải ngân chậm, công trình chậm tiến độ đã là lãng phí, nhưng còn ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội khác, đó là một sự lãng phí kép.

Ông Cường nêu rất nhiều biểu hiện của sự lãng phí trong đầu tư như đường đào lên lấp xuống nhiều lần; nhiều cơ quan có trụ sở mới vẫn không trả trụ sở cũ, làm mất cơ hội sử dụng tài sản đó tốt hơn; các “đại dự án” thua lỗ nhiều năm không được giải quyết dứt điểm…

Đặc biệt, trong sử dụng nhân lực, ĐB Cường nhận định, việc yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức theo học đủ thứ bằng cấp chứng chỉ không cần thiết là hết sức lãng phí.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tang-cuong-phan-cap-cho-dia-phuong-dong-thoi-voi-nang-cao-nang-luc-ca-the-hoa-trach-nhiem-la-thiet-thuc-tiet-kiem-749164.html