TĂNG CƯỜNG PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

'Tăng cường phân công, phân cấp trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương,…' là một trong những giải pháp được Bộ Tài chính kiến nghị tại cuộc làm việc giữa Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội với các bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển KT- XH.

Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với các bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022

Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với các bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022

Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội (Nghị quyết số 43/2022/QH15), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 để triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Bám sát các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao tại các Nghị quyết nêu trên, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng 15 văn bản/đề án về các cơ chế, chính sách triển khai thực hiện Chương trình trong phạm vi phụ trách để trình cấp thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền được giao; trong đó: Trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành 03 văn bản; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (TTCP) ban hành 12 văn bản; ban hành theo thẩm quyền 02 văn bản hướng dẫn. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã chủ động phối hợp xây dựng các văn bản/đề án về cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành liên quan.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng, việc khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện kịp thời các chính sách tài chính - NSNN, đặc biệt là chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã giúp tiết giảm các nghĩa vụ tài chính, giảm chi phí sản xuất, góp phần quan trọng giúp cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định, mở rộng sản xuất, kinh doanh, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống và trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Bên cạnh đó, chính sách giảm thuế suất thuế GTGT áp dụng trong năm 2022 đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó làm tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời vừa góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện lạm phát, giá cả và chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cũng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai như công tác dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ của một số chính sách trong quá trình xây dựng Chương trình chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc, thách thức trong tổ chức triển khai thực hiện; trong khi tình hình thế giới, trong nước thay đổi nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới không thể dự báo.

Ngoài ra, việc thực hiện và giải ngân một số chính sách đã được ban hành còn thấp, chưa được như kỳ vọng và so với quy mô nguồn lực được giao; việc phân bổ và giải ngân nguồn vốn của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án còn chậm, tạo áp lực giải ngân lớn, nhất là trong kế hoạch năm 2023.

Các đại biểu và thành viên Đoàn giám sát tham dự cuộc làm việc

Các đại biểu và thành viên Đoàn giám sát tham dự cuộc làm việc

Phân tích nguyên nhân của tồn tại, hạn chế này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho rằng, Chương trình được xây dựng trong thời gian ngắn, thời gian triển khai chỉ có 2 năm, trong khi một số chính sách có nội dung mới, chưa có tiền lệ hoặc chưa có sự chuẩn bị chu đáo. Bên cạnh đó, tình hình thế giới và khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường đã tác động mạnh đến bối cảnh, tình hình triển khai, nhu cầu của các đối tượng hỗ trợ của Chương trình.

Một trong những nguyên nhân khác là: Nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện sớm mở cửa nền kinh tế đưa cả nước bước vào giai đoạn bình thường mới, một số đối tượng dự kiến được hỗ trợ tại thời điểm xây dựng Chương trình nhưng khi triển khai thực tế không còn nhu cầu. Một số doanh nghiệp, người dân thuộc đối tượng hỗ trợ nhưng không đăng ký thụ hưởng chính sách do tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra;..

Đồng thời, do cơ chế, chính sách, pháp luật và công tác tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn hạn chế, bất cập, hiệu quả chưa cao; việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý chưa kịp thời, ảnh hướng đến tiến độ, hiệu quả thực thi chính sách. Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ, giao kế hoạch vốn cho một số nhiệm vụ, dự án đầu tư công thuộc Chương trình làm còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn của Chương trình. Trình tự, thủ tục thực hiện, giải ngân một số chính sách còn phức tạp, trải qua nhiều bước.

Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng kiến nghị: Tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thuộc Chương trình, phấn đấu hoàn thành trong năm 2024 như Quốc hội cho phép. Thu hồi, giảm chi ngân sách đối với những nội dung không triển khai được hoặc không phù hợp thực tiễn, thiếu hiệu quả (như hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại).

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cũng đề xuất nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy định của pháp luật về NSNN, đầu tư công, quản lý nợ công để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tăng cường phân công, phân cấp trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Tán thành với nhiều nội dung trọng tâm tại báo cáo của Bộ Tài chính, thành viên Đoàn Giám sát cho rằng, Bộ Tài chính đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết, nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả; đặc biệt là triển khai chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí,… góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số nội dung, chính sách vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, mục tiêu đề ra khi ban hành Nghị quyết như: việc triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn của Chương trình còn chậm trễ, không giải ngân hết vốn theo thời hạn đề ra tại Nghị quyết 43, Quốc hội phải gia hạn thời gian thực hiện đến 31/12/2024; việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân, người lao động có khó khăn, vướng mắc; một số chính sách tín dụng ưu đãi chưa đạt như kỳ vọng.

Nhấn mạnh đây là những vấn đề cần tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc ban hành và triển khai các chính sách nhất là các chính sách ban hành trong tình hình đặc biệt để xử lý tình huống đặc biệt, cấp bách, Đoàn Giám sát đề nghị cần tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng hơn; vấn đề phân cấp cho địa phương cần có sự giám sát, hướng dẫn kịp thời;…

Ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân được nêu trong báo cáo, Đoàn Giám sát tán thành với một số giải pháp, kiến nghị được đề xuất. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu, tài liệu làm rõ những nội dung còn khó khăn, tồn tại; đảm bảo thống nhất và bám sát đề cương báo cáo của Đoàn Giám sát./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85579