Tăng cường phân quyền cho địa phương đầu tư cao tốc

Sáng 25/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải theo hình thức trực tuyến toàn quốc. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chủ trì tại điểm cầu An Giang; cùng dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT chủ trì phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT chủ trì phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp thứ 7, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực chuẩn bị đầu tư 19 dự án (lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi); khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ triển khai thi công; phê duyệt các mỏ cát để đáp ứng vật liệu xây dựng…

Trong đó, đối với cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã bố trí nguồn cát đắp nền được 16,9 triệu m3 (nhu cầu 19 triệu m3), nhưng tiến độ khai thác chậm (đạt khoảng 8.000m3/ngày, so nhu cầu 70.000m3/ngày). Các địa phương cam kết hoàn thành thủ tục cấp mỏ trong năm 2023. Đối với cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và TP. Cần Thơ sử dụng nguồn cát từ An Giang; hiện mới xác định được nguồn khai thác 7,5 triệu m3 (55% nhu cầu); tỉnh An Giang và Sóc Trăng đã xác định đủ nguồn cung vật liệu, đang hoàn thiện thủ tục khai thác.

Về tiến độ thi công, dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông (giai đoạn 2017 – 2020) đang được đẩy nhanh thi công “3 ca 4 kíp”, phấn đấu hoàn thành cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ trước ngày 31/12/2023; hoàn thành đoạn Diễn Châu – Bãi Bọt và Cam Lâm – Vĩnh Hảo năm 2024. Đối với dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông (giai đoạn 2021 – 2025), tiến độ thi công đạt gần 15% giá trị hợp đồng (14.721/98.372 tỷ đồng), giá trị giải ngân năm 2023 đạt 75% (34.678/46.186 tỷ đồng); tiến độ thi công chậm do thiếu cát…

Đối với cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đoạn qua tỉnh An Giang, chủ đầu tư (Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang) đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng 4/4 gói thầu. Tất cả 4 gói thầu đang được các nhà thầu tập trung triển khai thi công các hạng mục đào đắp nền đường, móng cọc các cầu, cống trên tuyến.

Khó khăn của dự án là hiện còn 138 hộ chưa nhận tiền bồi thường, nằm ở các vị trí ngắt đoạn không liền tuyến, vướng mặt bằng ở vị trí đầu vào, gây khó khăn trong việc tập kết thiết bị, vật tư thi công. Bên cạnh đó, nguồn cát chưa đáp ứng đủ nhu cầu (còn thiếu 1,9 triệu m3 so nhu cầu 9,3 triệu m3).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu từ điểm cầu Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu từ điểm cầu Chính phủ

Điểm cầu tại An Giang

Điểm cầu tại An Giang

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh tiếp tục khẩn trương triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, phấn đấu đến ngày 31/12/2023 bàn giao mặt bằng 100%; sớm triển khai thi công xây dựng và hoàn thành khu tái định cư, đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân.

Để đảm bảo đủ nhu cầu cát cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn An Giang, tỉnh cần phải huy động khoảng 2 triệu m3 cát thu hồi từ 2 dự án nạo vét thông luồng trên nhánh sông Tiền. UBND tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm tham mưu Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 159/2018/NĐ-CP, ngày 28/11/2018 về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa, tạo cơ sở pháp lý để An Giang triển khai thực hiện 2 dự án nạo vét thông luồng, tận dụng nguồn cát cho cao tốc.

UBND tỉnh An Giang cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp UBND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đưa các đoạn sông đủ điều kiện vào danh mục các đoạn sông nạo vét thông luồng giao thông thủy và triển khai nạo vét, thu hồi khoáng sản để chia sẻ bớt khó khăn về nguồn vật liệu cát cho các công trình hiện nay.

Phát biểu tại Phiên họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Chính phủ đang đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm chủ đầu tư các công trình giao thông trọng điểm qua địa bàn. Từ đó, nâng cao năng lực đầu tư các dự án lớn và tăng cường trách nhiệm, sự sáng tạo của các địa phương trong chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai dự án.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thường xuyên ngồi lại với nhau, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chủ động trong công việc, giải quyết có thời hạn, không đùn đẩy trách nhiệm, vì lợi ích chung của đất nước, Nhân dân.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tang-cuong-phan-quyen-cho-dia-phuong-dau-tu-cao-toc-a381057.html