Tăng cường phòng cháy chữa cháy dịp Tết Nguyên đán

Thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế…

Trên thực tế, qua các vụ cháy xảy ra vừa qua trên địa bàn tỉnh cho thấy công tác quản lý nhà nước về PCCC của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn có những sơ hở, thiếu sót, chưa thường xuyên, quyết liệt. Một bộ phận người dân, hộ gia đình còn xem nhẹ, chủ quan trong việc bảo đảm an toàn PCCC và việc trang bị các kiến thức, kỹ năng về PCCC của người dân còn rất hạn chế. Đơn cử như vụ cháy tuabin gió của Nhà máy điện gió Phong điện 1 Bình Thuận tại huyện Tuy Phong, làm thiệt hại tài sản ước khoảng 70 tỷ đồng. Đặc biệt, vụ cháy xảy ra chiều ngày 31/8/2023 tại nhà ở xã Phong Nẫm (Phan Thiết) đã làm 4 người tử vong. Đầu tháng 12/2023, tại bãi sửa chữa tàu ở Phú Hài (TP. Phan Thiết) tiếp tục xảy ra cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.

Vì thế, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm nâng cao năng lực PCCC từ cơ sở, song tình hình cháy nổ vẫn diễn biến khó lường. Để chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, đặc biệt là các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, góp phần đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh trong mùa hanh khô và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh vừa yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung của Luật PCCC. Đẩy mạnh việc xây dựng, kiện toàn các đội dân phòng, đội PCCC cơ sở; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng cơ sở trong việc tự kiểm tra an toàn PCCC trong quá trình sản xuất, kinh doanh; phát huy vai trò của các lực lượng ở cơ sở trong công tác PCCC tại địa bàn dân cư.

Cảnh sát PCCC và lực lượng PCCC cơ sở phối hợp diễn tập chữa cháy.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh thực hiện nghiêm túc công tác nắm tình hình, quản lý chặt địa bàn, cơ sở, bảo đảm 100% cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC phải lập hồ sơ quản lý theo quy định; xác định các địa bàn, khu vực trọng điểm, cơ sở có nguy cơ nguy hiểm về cháy, nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi xảy ra cháy, nổ để tăng cường các biện pháp quản lý. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong thực hiện các quy định, giải pháp về PCCC. Công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân giám sát. Nâng cao chất lượng công tác quản lý phương tiện, công tác huấn luyện nghiệp vụ, chỉ huy chữa cháy, chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng ứng phó tình huống cháy nổ lớn, phức tạp. Tập trung điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ cháy để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm tạo sức răn đe, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC rừng, thực hiện tốt việc cảnh báo, dự báo và kiểm soát lửa rừng gắn với việc tăng cường vai trò trách nhiệm của chủ rừng trong việc xây dựng và tổ chức thực tập phương án PCCC rừng. Tổ chức lực lượng tuần tra canh gác nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời các điểm cháy rừng, chủ động phương án huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn để tổ chức chữa cháy rừng hiệu quả. Có biện pháp kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; xây dựng các quy định cụ thể về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy khi đốt nương, làm rẫy...

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tang-cuong-phong-chay-chua-chay-dip-tet-nguyen-dan-116010.html