Tăng cường quản lý chất lượng sầu riêng xuất khẩu

Trước yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, bao bì đóng gói của thị trường nhập khẩu ngày càng nâng cao, Lâm Đồng đang đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng nhằm đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Lâm Đồng đang tăng cường giám sát mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu

Lâm Đồng đang tăng cường giám sát mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, mới đây nhất, thực hiện văn bản số 44 ngày 9/1/2025 của Cục Bảo vệ thực vật, Sở đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, chủ thể các vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu nông sản nói chung và sầu riêng nói riêng thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa việc quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu. Qua đó, nhằm hạn chế các trường hợp giả mạo, gian lận trong sử dụng mã số xuất khẩu (nếu có). Đặc biệt, kiểm tra thường xuyên mặt hàng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện nghiêm việc tạm dừng hoặc thu hồi mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đối với các trường hợp vi phạm theo quy định.

Lâm Đồng có tổng diện tích trồng sầu riêng trên 20.000 ha với sản lượng thu hoạch đạt trên 140.00 tấn, trong đó có 9.121 ha ở giai đoạn kinh doanh. Diện tích trồng xen 7.714,5 ha, trong đó 1.723 ha ở giai đoạn kinh doanh. Vùng trồng sầu riêng tập trung nhiều nhất tại các huyện Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm với tổng diện tích 13.965 ha, sản lượng 84.298 tấn (chiếm 68,6% về diện tích và 68% về tổng sản lượng sầu riêng của tỉnh). Bên cạnh đó, diện tích sầu riêng ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm đạt trên 7.000 ha; chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP 500 ha.

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện cả nước có 708 mã số vùng trồng với trên 26.000 ha và 168 mã số cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, tỷ lệ mã số vùng trồng được giám sát đạt 52%, cơ sở đóng gói đạt 47,6%. Các tỉnh có tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng cao như: Lâm Đồng (100%), tiếp đến là Gia Lai, Đắk Lắk... Các tỉnh có số lượng mã số vùng trồng nhưng tỷ lệ giám sát thấp như: Đắk Nông, Bình Phước, Vĩnh Long, Bình Thuận, Hậu Giang, Tiền Giang và Đồng Tháp. Tỉnh có tỷ lệ giám sát mã số cơ sở đóng gói cao như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tiền Giang. Các tỉnh có tỷ lệ giám sát thấp như Long An, Đồng Nai.

Sầu riêng tại địa phương chủ yếu được sử dụng cho thị trường nội địa ăn tươi, chiếm gần 90% tổng sản lượng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu chuyển sang chế biến sản phẩm bóc múi và đóng gói đông lạnh, với một phần nhỏ được xuất khẩu. Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã cấp tổng cộng 114 vùng trồng sầu riêng và 13 cơ sở đóng gói sầu riêng.

Những kết quả trên, cho thấy sản phẩm sầu riêng của Lâm Đồng đạt được thành công nhất định trong tiêu thụ và xuất khẩu, song vẫn tồn tại một số thách thức. Cụ thể, các doanh nghiệp địa phương đang gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Mặc dù chưa có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nào bị thu hồi theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, trong năm 2023 có 58/380 mẫu (chiếm 15,26%) giám định sinh vật gây hại bị nhiễm rệp sáp Planococus lilacinus thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc.

Ông Võ Hữu Long - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Long Thủy (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm), một trong số doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc lớn trên địa bàn tỉnh, cho rằng hiện nay các quy định từ phía Trung Quốc đối với vấn đề kiểm dịch sản phẩm ngày một khắt khe hơn, mới đây nhất, cuối năm 2024, nước bạn yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu cả nước phải có thêm giấy kiểm định chất vàng O. Đây là yêu cầu của thị trường nhập khẩu và các doanh nghiệp phải bắt buộc phải thực hiện đúng quy định bên cạnh các giấy kiểm định hàng rào chất lượng khác. “Muốn trái sầu riêng tiến xa hơn, xuất khẩu đem lại lợi nhuận cho người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới, theo tôi, cần phải có sự nỗ lực, tăng cường hơn nữa các biện pháp đảm bảo chất lượng cho loại cây trồng này từ phía cơ quan quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Chỉ khi có sự chung tay đồng bộ như vậy, có sự giám sát chặt chẽ, tuân thủ các quy định từ khâu chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, kiểm định,... thì trái sầu riêng mới thật sự cho thu nhập cao, bền vững”, ông Long chia sẻ.

Thời gian qua, để nâng cao giá trị cho quả sầu riêng, đặc biệt là các điều kiện cần để doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sầu riêng, trong đó có sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc và các nước khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tổ chức các đợt tập huấn cho nông dân về quy trình thiết lập, cấp mã số vùng trồng, giám sát, duy trì các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp tại địa phương. Các chủ thể mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn thường xuyên chú trọng công tác tự giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Đơn vị, địa phương sẽ có biện pháp tái kiểm tra, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tuân thủ việc xử lý làm sạch sinh vật gây hại hàng hóa trước khi xuất khẩu để tránh các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật.

Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn cũng đang chú trọng xây dựng, triển khai chương trình khuyến nông trọng điểm cho cây sầu riêng về canh tác, thiết lập vùng trồng, liên kết chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, ưu tiên các nội dung như: ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác, thu hái tiên tiến theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, công nghệ số, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu…

CHÍNH THÀNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202502/tang-cuong-quan-ly-chat-luong-sau-rieng-xuat-khau-7b903fd/