Tăng cường quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ di tích
Bộ VH-TT&DL có công văn về việc tăng cường quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Theo nội dung công văn, trong những năm qua, Bộ VH-TT&DL đã thường xuyên đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác quản lý di tích, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những địa phương làm tốt công tác này, vẫn còn tình trạng tu bổ, tôn tạo di tích chưa đúng quy định pháp luật, không phù hợp với nội dung đã được cơ quan chuyên môn và Bộ thẩm định, gây ảnh hưởng đến giá trị di tích và tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Di tích Chùa Cầu sau khi trùng tu cũng từng nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Ảnh: TN
Trước tình hình đó, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thực hiện một số nội dung sau:
Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương và cộng đồng trong công tác quản lý di tích, bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Kiểm soát chặt chẽ quy trình kiểm kê, xếp hạng di tích gắn liền với kế hoạch tu bổ, tôn tạo.
Thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật, bao gồm Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như quy định về đầu tư, xây dựng khi triển khai các dự án liên quan đến di tích – không phân biệt nguồn vốn sử dụng.
Hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các thủ tục theo đúng quy định; lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học và chỉ tiến hành dự án sau khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Tuân thủ nghiêm nội dung đã được thẩm định, bao gồm báo cáo kinh tế - kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công, đảm bảo giữ gìn yếu tố gốc tạo nên giá trị của di tích.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa thông qua các cơ quan báo chí, truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức trong nhân dân và các cấp chính quyền.
Cần công khai nội dung các dự án tu bổ để người dân nắm rõ, góp ý và đồng thuận, đặc biệt đối với di tích mang yếu tố tâm linh, tôn giáo.
Giới thiệu giá trị di tích sau khi dự án hoàn thành, bao gồm ngày khởi công, ngày hoàn thành, tổ chức/cá nhân tài trợ, đơn vị thi công và ý nghĩa lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật của di tích.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tu bổ, tôn tạo di tích, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có), bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế - xã hội và du lịch địa phương.
Bộ VH-TT&DL cũng đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Luật Di sản văn hóa một cách thống nhất, kịp thời và hiệu quả.