Tăng cường quản lý kinh doanh dược phẩm

Trước thực trạng thuốc giả bán tràn lan trên thị trường, gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh, ngành Y tế Lai Châu tăng cường các biện pháp phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng bán tại các cửa hàng kinh doanh dược phẩm trên địa bàn tỉnh.

Công ty Cổ phần Dược - Vật tư y tế Lai Châu (thành phố Lai Châu) có thâm niên kinh doanh dược phẩm hơn 20 năm. Hiện, đơn vị có hơn 500 mặt hàng bao gồm: thuốc, thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế. Mỗi ngày, công ty bán đến 100 đơn thuốc, đang là một trong những địa chỉ uy tín, được người dân trên địa bàn thành phố lựa chọn trong nhiều năm qua.
Anh Vũ Ngọc Sáng - Giám đốc Công ty Cổ phần Dược - Vật tư y tế Lai Châu cho biết: Đơn vị cam kết chỉ nhập những sản phẩm có đủ hóa đơn chứng từ, tài liệu công bố sản phẩm đạt tiêu chuẩn, giấy phép lưu hành… Thuốc là một trong những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, bệnh nhân, do vậy thời gian qua, một số công ty chuyên về thực phẩm chức năng có chào hàng nhưng không chứng minh được hóa đơn chứng từ nên chúng tôi kiên quyết từ chối nhập hàng.
Hay như Công ty TNHH Một thành viên Đức Phong (Nhà thuốc Đức Phong) ở thành phố Lai Châu cũng là một đơn vị kinh doanh thuốc được người dân trên địa bàn lựa chọn khi cần. Công ty có 3 cửa hàng bán lẻ với hơn 2.000 loại thuốc, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế và mỹ phẩm. Theo dược sỹ Hoàng Văn Khôi - Giám đốc công ty, nguyên tắc nhập hàng của công ty là đơn vị cung cấp phải có tính pháp lý; hồ sơ sản phẩm rõ ràng, đầy đủ hóa đơn chứng từ. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên cập nhập trên Cổng thông tin Sở Y tế Lai Châu, Cục Quản lý dược quốc gia để nắm bắt thông báo về các sản phẩm dược nhằm tránh nhập hàng giả, kém chất lượng.
Trên địa bàn toàn tỉnh có 274 cửa hàng kinh doanh dược phẩm. Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Thế Phong - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Việc sử dụng thuốc chữa bệnh giả rất nguy hiểm không chỉ gây thất bại trong điều trị còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng. Các loại thuốc này thường không chứa hoạt chất hoặc chứa không đủ hàm lượng cần thiết, dẫn đến việc điều trị không hiệu quả, có thể làm gia tăng độc tính cho cơ thể. Điều này khiến bệnh không được kiểm soát, tiến triển nặng hơn, khả năng cao tử vong. Thuốc giả có khả năng bị ngộ độc do có thể chứa nhiều thành phần kém chất lượng, kém tinh khiết, thậm chí tồn tại dư lượng các chất cấm, các kim loại nặng, các chất độc hại ảnh hưởng đến chức năng gan, thận và các cơ quan khác làm suy giảm chức năng hoặc tổn thương nghiêm trọng.

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế kiểm tra thực phẩm chức năng được bày bán tại Nhà thuốc Đức Phong (thành phố Lai Châu).

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế kiểm tra thực phẩm chức năng được bày bán tại Nhà thuốc Đức Phong (thành phố Lai Châu).

Đặc biệt, đối với những bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như: huyết áp, đái tháo đường, ung thư, việc người bệnh sử dụng thuốc chữa bệnh giả, kém chất lượng không những làm bệnh không được kiểm soát mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Việc sử dụng thuốc kháng sinh giả hoặc kém chất lượng không tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh, dẫn đến sự phát triển của các chủng vi khuẩn kháng thuốc. Từ đó, làm giảm hiệu quả của các kháng sinh hiện có, gây khó khăn trong điều trị các bệnh nhiễm trùng. Ngoài ra, thuốc giả cũng có thể bị lây nhiễm nấm hoặc các loại vi khuẩn bị ô nhiễm khác khiến người dùng bị dị ứng hoặc kháng thuốc.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế đã tổ chức thực hiện, phối hợp triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về dược, các quy định quản lý Nhà nước về dược và mỹ phẩm. Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề dược trên địa bàn tỉnh về việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh dược - mỹ phẩm; quản lý chất lượng, quản lý giá thuốc, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Đề xuất, tham mưu UBND tỉnh các biện pháp bình ổn giá thuốc trên địa bàn, không để hiện tượng đầu cơ và tăng giá thuốc bất hợp lý, đảm bảo đáp ứng đủ thuốc chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh cho nhu cầu khám chữa bệnh của các cơ sở điều trị. Tăng cường công tác tuyên truyền về các loại thuốc, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng buộc phải thu hồi theo công bố của Bộ Y tế tới người dân để người dân tránh không mua và cẩn thận trong lựa chọn thuốc, thực phẩm chức năng.
Trong năm 2024, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm triển khai, tăng cường thực hiện công tác quản lý kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, mỹ phẩm lưu thông trên địa bàn. Kết quả đã thực hiện 235 lượt giám sát, lấy mẫu tại 219 cơ sở điều trị, cơ sở kinh doanh thuốc tại 8/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các mẫu đều đạt tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo thực hiện tương đối tốt công tác quản lý kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, mỹ phẩm, lưu thông trên địa bàn, giám sát kiểm tra việc thu hồi thuốc trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, Đoàn kiểm tra, giám sát của Sở Y tế đang kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, mỹ phẩm lưu thông trên địa bàn tại thành phố Lai Châu và tới đây là huyện Sìn Hồ.
Tin rằng với những giải pháp cụ thể của Sở Y tế, các loại thuốc, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng không thể len lỏi và có chỗ đứng trên thị trường của tỉnh. Tuy nhiên, trước “tâm bão” thuốc giả, thực phẩm giả như hiện nay, Sở Y tế khuyến cáo người dân chủ động trang bị kiến thức và xây dựng thói quen mua thuốc đúng cách. Nên mua tại các nhà thuốc, cơ sở y tế uy tín đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Tuyệt đối không mua trên mạng xã hội hay các trang thương mại điện tử (khi chưa được cấp phép), bởi đây là những kênh tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi mua thuốc, cần kiểm tra kỹ các thông tin như số lô, hạn dùng, số đăng ký lưu hành, tem phụ tiếng Việt… Phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ về chất lượng thuốc, nên mang sản phẩm đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và xử lý kịp thời.

Bạch Dương - Vương Trang Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/van-de-hom-nay/tang-cuong-quan-ly-kinh-doanh-duoc-pham-1346192