Nam thanh niên nguy kịch từ triệu chứng sốt cao, đau âm ỉ vùng thượng vị

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận 1 trường hợp nam bệnh nhân trẻ mắc viêm cơ tim với các biểu hiện ban đầu là sốt cao, đau âm ỉ vùng thượng vị.

Cụ thể, bệnh nhân 24 tuổi, ở Hà Nội, trước khi vào viện người bệnh xuất hiện triệu chứng sốt nóng 5 ngày, đau bụng thượng vị âm ỉ 3 ngày. Ở nhà, bệnh nhân tự mua thuốc hạ sốt dùng, sau đó đi siêu âm ổ bụng ở một cơ sở y tế, kết quả thể hiện có dịch ổ bụng.

Sau đó, tiếp tục tự mua thuốc kháng sinh về uống nhưng tình trạng không đỡ. Ngày 16/4, bệnh nhân đã đến BV Đại học Y Hà Nội để thăm khám.

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng mệt nhiều, khó thở, đau tức ngực và đau thượng vị kèm theo nhịp tim nhanh 120 lần /phút. Ngay khi tiếp cận ban đầu tại khoa cấp cứu, bác sĩ đã nghi ngờ bệnh lý tim mạch và nhanh chóng thực hiện các thăm dò chẩn đoán cho bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm cho thấy men tim tăng cao (Troponin T > 2000 ng/l) kèm theo biến đổi điện học trên điện tim, siêu âm tim có hình ảnh giảm nặng chức năng co bóp cơ tim.

Bệnh nhân được chẩn đoán viêm cơ tim cấp, tiên lượng nặng, được chuyển vào phòng hồi sức tích cực, khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực và chống độc của BV Đại học Y Hà Nôi (cơ sở Hoàng Mai) để điều trị và theo dõi. Bệnh nhân được các bác sĩ tiên lượng tình trạng nặng, nguy cơ cao đi vào sốc tim, rối loạn nhịp tim, ngừng tuần hoàn.

Các bác sĩ Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc, BV Đại học Y Hà Nội (cơ sở Hoàng Mai) thực hiện kỹ thuật ECMO cho bệnh nhân dưới sự chỉ huy của PGS.TS Hoàng Bùi Hải. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc, BV Đại học Y Hà Nội (cơ sở Hoàng Mai) thực hiện kỹ thuật ECMO cho bệnh nhân dưới sự chỉ huy của PGS.TS Hoàng Bùi Hải. Ảnh: BVCC.

Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân xuất hiện rung thất, ngừng tuần hoàn. Người bệnh ngay lập tức được hồi sinh tim phổi và tiến hành kỹ thuật ECMO (oxy hóa màng ngoài cơ thể). Kỹ thuật này giúp tình trạng của bệnh nhân tốt hơn, chức năng tim được cải thiện, sau 7 ngày bệnh nhân được dừng ECMO, rút ống nội khí quản.

Hiện, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện, không cần phải hỗ trợ oxy và thuốc vận mạch. Bệnh nhân được chuyển sang Khoa tim mạch để tiếp tục điều trị. Người bệnh tiếp tục được theo dõi và thực hiện những thăm dò sâu hơn để chẩn đoán và tiên lượng tình trạng phục hồi cơ tim trong giai đoạn tiếp theo.

Viêm cơ tim nguy hiểm đến mức nào?

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, Ths.Bs Trần Văn Cường – Bác sĩ điều trị tại Trung tâm Tim mạch, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, viêm cơ tim 80% thường xảy ra với người trẻ tuổi, chưa có tiền sử bệnh tim mạch. Bệnh thường do virus ở đường hô hấp hay đường tiêu hóa gây ra.

Bình thường, bệnh nhân sẽ có biểu hiện sốt cao (uống thuốc hạ sốt có thể đáp ứng một phần), đau ngực, hồi hộp trống ngực, mệt mỏi…Tuy nhiên một số trường hợp bệnh diễn biến thầm lặng, ít thể hiện triệu chứng điển hình dẫn đến bỏ sót chẩn đoán

"Bệnh viêm cơ tim thường khó nhận biết, vì đa phần bệnh nhân vào viện với các biểu hiện lẫn với các bệnh lý viêm thông thường. Bệnh nhân có thể sẽ được chẩn đoán là viêm họng, viêm mũi, viêm đường tiêu hóa,…). Tuy nhiên, khi bệnh nhân có triệu chứng kèm theo như đau ngực, hồi hộp, đánh trống ngực thì cần phải được làm thêm xét nghiệm về men tim, điện tâm đồ, siêu âm tim để chẩn đoán bệnh.

Ths.Bs Trần Văn Cường thăm khám cho nam bệnh nhân. Ảnh: Quỳnh Mai.

Ths.Bs Trần Văn Cường thăm khám cho nam bệnh nhân. Ảnh: Quỳnh Mai.

Trong những trường hợp bệnh lý không điển hình, có thể bệnh nhân cần phải chụp cộng hưởng từ cơ tim hoặc sinh thiết cơ tim để làm chẩn đoán" Ths.Bs Trần Văn Cường nói.

Theo Ths.Bs Trần Văn Cường, viêm cơ tim nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm và nặng nề. Bệnh nhân có thể sốc tim nặng, ngừng tuần hoàn và tử vong ngoại viện, khi chưa kịp đưa đến cơ sở y tế.

Ngay cả khi được điều trị tại bệnh viện, viêm cơ tim cấp có thể tiến triển nặng với những biểu hiện của sốc tim, rối loạn nhịp tim nguy kịch, thậm chí ngừng tuần hoàn không được hồi sức tích cực kịp thời.

Với trường hợp nam bệnh nhân trẻ tuổi nêu trên, bệnh nhân vào viện với những triệu chứng điển hình của viêm cơ tim.

"Bệnh nhân đã được chụp cộng hưởng từ cơ tim, theo dõi holter điện tim 24 giờ và sử dụng các thuốc hỗ trợ phục chức năng cơ tim. Sau giai đoạn điều trị bệnh tim mạch cấp tính, bệnh nhân vẫn có nguy cơ suy tim tiến triển hoặc những rối loạn nhịp tim nguy hiểm.

Bệnh nhân sẽ được các bác sĩ tại khoa Tim mạch cơ sở Hoàng Mai tiếp tục theo dõi, điều trị và triển khai chương trình phục hồi chức năng tim để đạt được sự phục hồi chức năng cơ tim tối đa cho bệnh nhân trong giai đoạn lâu dài", Ths.Bs Trần Văn Cường thông tin.

Cũng theo Ths.Bs Trần Văn Cường, sau giai đoạn sốc tim, việc tiên lượng tiến triển của bệnh viêm cơ tim cấp vẫn là một thách thức đối với bác sĩ tim mạch. Bệnh nhân vẫn có nguy cơ suy tim tiến triển hoặc rồi loạn nhịp tim nghiêm trọng.

"Với kỹ thuật cộng hưởng từ cơ tim, chúng tôi có thể chụp cộng hưởng từ để đánh giá nguy cơ rối loạn nhịn tim không chỉ ở giai đoạn cấp, mà còn có thể tiên lượng được tình trạng sau này của bệnh nhân. Cụ thể, tiên lượng xem cơ tim của bệnh nhân có thể hồi phục được hay không, nguy cơ xảy ra rối loạn nhịp trong thời gian tới có cao hay không? Đây là một kỹ thuật vô cùng hữu ích với cách bệnh nhân tim mạch nói chung", Ths.Bs Trần Văn Cường cho hay.

Có thể phòng tránh bệnh viêm cơ tim hay không?

Theo Ths.Bs Trần Văn Cường, viêm cơ tim là một bệnh lý khó phòng tránh, vì đa phần nhiễm trùng thường bắt nguồn từ viêm hầu, họng, xoang, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa,… Virus lúc này đi vào cơ tim và gây viêm. Chính vì vậy, hiện chưa có thuốc hay biện pháp cụ thể nào để phòng chống căn bệnh này.

Tuy nhiên, việc phát hiện sớm viêm cơ tim rất cần thiết. Khi có các biểu hiện sốt cao, mệt nhiều kèm đau ngực cần nghĩ ngay đến viêm cơ tim. Bệnh nhân lúc này cần đến ngay bệnh viện uy tín để được thăm khám, làm các xét nghiệm về men tim, điện tâm đồ để được chẩn đoán chính xác và kịp thời.

Việc giám sát, đánh giá về nguy cơ sau điều trị của bệnh nhân cũng vô cùng quan trọng, kể cả khi bệnh nhân viêm cơ tim đã được điều trị và ra viện. Tuy nhiên, quá trình theo dõi sau điều trị và tập phục hồi chức năng tim sau giai đoạn cấp thường bị bỏ qua.

Video ThS.BS Trần Văn Cường thăm khám cho nam bệnh nhân viêm cơ tim:

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nam-thanh-nien-nguy-kich-tu-trieu-chung-sot-cao-dau-am-i-vung-thuong-vi-169250508155725382.htm