Bình đẳng giới từ góc nhìn của người có uy tín trong cộng đồng ở Đakrông
Với vai trò người có uy tín trong cộng đồng, ông Hồ Văn Bui đã đồng hành cùng chính quyền xã A Vao (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) để lan tỏa thông điệp bình đẳng giới từ Dự án 8, góp phần thay đổi nhận thức trong từng nếp nhà sàn vùng cao.

Ông Hồ Văn Bui (người có uy tín trong cộng đồng ở xã A Vao) - thành viên của Tổ truyền thông cộng đồng
Là một trong những người có uy tín lâu năm tại xã A Vao (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), ông Hồ Văn Bui (thành viên của Tổ truyền thông cộng đồng) không chỉ góp phần giữ gìn phong tục truyền thống, mà còn tích cực đồng hành với chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng.
Trong hành trình triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" tại xã A Vao, ông Bui đã chứng kiến nhiều thay đổi âm thầm nhưng đáng ghi nhận trong tư duy, hành vi và cuộc sống của người dân.
Phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Văn Bui để lắng nghe những ghi nhận từ chính người trong cuộc về hiệu quả và chuyển biến xã hội mà Dự án 8 mang lại tại địa phương.
Phóng viên: Ông biết đến Dự án 8 từ khi nào và cảm nhận đầu tiên của ông về ý nghĩa của dự án là gì?
Ông Hồ Văn Bui: Tôi nghe cán bộ xã nói về Dự án 8 từ mấy năm trước, lúc đầu cũng chỉ nghĩ là mấy buổi họp, nói chuyện về phụ nữ. Nhưng sau đó thấy cán bộ Hội LHPN đi nhiều lắm, đến từng nhà, mời chị em ra nhà văn hóa, tổ chức sinh hoạt, chiếu phim, dạy nuôi con... thì mới hiểu là người ta muốn giúp bản mình thay đổi từ trong nếp nghĩ.
Tôi thấy cái hay của dự án là không làm ồn ào, nhưng bà con nghe được. Mình làm già làng, người ta tin mình, thì mình cũng phải nói điều đúng, nói để sau này con cháu mình đỡ khổ hơn.

Ông Bui thường xuyên giúp vợ làm những công việc ở nhà
Phóng viên: Trong quá trình triển khai, ông tham gia vận động người dân ra sao? Có kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất?
Ông Hồ Văn Bui: Mỗi lần họp thôn, hay khi trong bản có việc, tôi đều lồng vào vài câu. Có lần thấy vợ bị chồng mắng trước mặt con, tôi đến tận nhà, ngồi bên bếp mà khuyên người chồng: "Có gì thì vợ chồng nên nói chuyện riêng, đừng làm con cái sợ". Nói nhẹ nhàng nhưng bà con nghe, vì tôi không chê bai ai.
Một lần khác, có chị bị chồng ghen, không cho đi họp nhóm phụ nữ. Tôi đến gặp riêng người chồng, bảo: "Vợ biết đọc, biết nói thì nhà mới đỡ nghèo. Giữ vợ ở nhà thì cũng không có thêm gạo đâu". Mấy hôm sau, thấy chị ấy vui vẻ đi họp, tôi mừng lắm.
Phóng viên: Sau khi có Dự án 8, ông thấy phụ nữ và trẻ em trong cộng đồng thay đổi điều gì rõ nhất?
Ông Hồ Văn Bui: Trước kia, phụ nữ thường cúi đầu, không dám nói. Bây giờ, nhiều chị mạnh dạn phát biểu trong họp bản, góp ý chuyện làm đường, giữ rừng. Con gái đi học đông hơn, không bỏ học sớm như trước. Đó là thay đổi lớn.
Trước đây, sinh con xong là tiếp tục sinh, vì không ai chỉ cách tránh. Nay thì có cán bộ Hội Phụ nữ, y tế hướng dẫn, tư vấn. Phụ nữ biết giữ sức khỏe, biết lo cho con hơn. Vợ chồng cũng trò chuyện nhiều hơn, không còn chuyện đàn ông coi vợ là người phải chịu hết mọi thứ trong nhà.
Phóng viên: Với vai trò là người có uy tín, ông nghĩ điều gì là quan trọng nhất để bà con hiểu đúng và sống bình đẳng hơn?
Ông Hồ Văn Bui: Tôi nghĩ cái quan trọng nhất là phải kiên trì. Nói một lần người ta chưa hiểu ngay, phải nói bằng cái tình, cái lý, chứ không phải quát tháo hay dọa nạt. Người lớn phải làm gương, tôi nói đàn ông phải chia sẻ với vợ thì bản thân tôi cũng phải làm vậy trong nhà mình.
Ở bản, nhiều người vẫn hay nói: "Phụ nữ chỉ biết trông con, vào bếp". Nhưng nếu phụ nữ có kiến thức, có tiếng nói, thì bản mới khá lên được. Mình nghèo không phải vì thiếu đất, mà vì thiếu hiểu biết. Dự án 8 đã đến đúng chỗ, đúng lúc, làm được điều mà lâu nay chưa ai làm tới nơi tới chốn.