Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý và tổ chức lễ hôịĐa dạng sắc màu văn hoáXây dựng nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội
Xuất phát từ tôn giáo, tín ngưỡng dân gian truyền thống có từ lâu đời, cộng đồng các dân tộc ở Bình Thuận đã sản sinh nhiều loại hình lễ hội văn hóa dân gian tương ứng, phù hợp với phong tục tập quán của cư dân địa phương. Trong xu thế hội nhập, để lễ hội ngày càng đi vào nền nếp, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của dân tộc, ngành văn hóa tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Đảng và Nhà nước về tổ chức và quản lý lễ hội đến tận cơ sở…
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
Thực hiện Chỉ thị số 41 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, 5 năm qua, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội bảo đảm an toàn, hiệu quả, thiết thực. Trong đó tổ chức lễ hội đúng kế hoạch, nội dung và nghi thức dân gian; các tệ nạn, hủ tục giảm đáng kể, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, cũng như tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Một số lễ hội đã phát huy được tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương như: Lễ hội dinh Thầy Thím (La Gi), lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư, lễ hội Trung thu, lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Cầu ngư tại vạn Thủy Tú (Phan Thiết).
Đặc biệt, nhờ thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội, nên dù mỗi năm tỉnh ta có hơn 100 lễ hội truyền thống và lễ hội văn hóa, nhưng các nghi thức trong lễ hội không bị biến đổi, thương mại hóa hoặc lợi dụng tổ chức tràn lan để trục lợi, gây mất an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự xã hội, ảnh hưởng đến đời sống và việc làm của nhân dân. Thời gian diễn ra lễ hội từ 1 - 2 ngày theo tập tục, một số ít lễ hội lớn cũng chỉ kéo dài 3 - 4 ngày. Kinh phí tổ chức đa số từ việc huy động tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp, tài trợ.
Song hành với quản lý và tổ chức lễ hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc. Toàn tỉnh hiện có 28 di tích quốc gia và 42 di tích cấp tỉnh. Trong đó hầu hết di tích quốc gia và 50% di tích cấp tỉnh được đầu tư tu bổ, tôn tạo bằng nguồn vốn của Nhà nước và xã hội hóa. Các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh đều có ban quản lý, lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ, nhờ vậy kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi xâm hại di tích.
Đáng ghi nhận, nhiều lễ nghi, lễ hội truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh được kiểm kê, nghiên cứu, như Tết Đầu lúa của người K’ho xã Phan Sơn (Bắc Bình), lễ hội Ramưwan và đám cưới của người Chăm Hồi giáo (Bàni) huyện Bắc Bình, lễ hội hiến trâu tế thần của người K’ho xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc), lễ hội truyền thống tại các đình làng… Từ đó bước đầu bảo tồn, khai thác, phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa địa phương, đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Bình Thuận hiện có 34 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 8,03%, tập trung ở các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh. Bên cạnh đó, còn có đồng bào dân tộc thiểu số ít người như Pà Thẻn, Phù Lá, Ngái, Mảng… di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào sinh sống. Mỗi dân tộc lại có một lễ nghi riêng, tạo thành bức tranh văn hóa đa sắc màu, thu hút đông du khách đến tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm.
Để phát huy giá trị truyền thống của lễ hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa lành mạnh, Bình Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị số 41 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các chương trình, đề án của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội. Phục dựng, bảo tồn các nghi lễ truyền thống và trò chơi dân gian trong lễ hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các lễ hội; cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về thực hiện nếp sống văn minh, quy tắc ứng xử khi tham gia lễ hội…
Hầu hết lễ hội truyền thống của các dân tộc ở Bình Thuận như Kinh, Chăm, Raglai, K’ho, Chơro, Hoa, Tày, Nùng… đều bảo lưu đầy đủ các nghi thức lễ dân gian nhưng có sự chắt lọc, loại bỏ dần những hủ tục, nghi lễ lạc hậu, lỗi thời không còn phù hợp với cuộc sống đương đại.
Thùy Linh