Tăng cường xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Hồng

Thực hiện chương trình công tác năm 2024, Bộ Công Thương tổ chức chuỗi 6 hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu các vùng kinh tế trên cả nước, nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp liên kết vùng trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu.

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì. Ảnh: NS

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì. Ảnh: NS

Tạo đột phá trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng

Theo đó, Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Hồng đã diễn ra vào sáng 5/6 tại Hà Nội. Đây là hội nghị thứ 3 của chuỗi hội nghị, được tổ chức sau thành công của các Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng trung du, miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên.

Hội nghị có quy mô gần 200 đại biểu tham dự là lãnh đạo UBND các tỉnh, TP thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistic…

Hội nghị đã tập trung bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng trong hợp tác phát triển các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Hồng như: liên kết phát triển chuỗi giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm nông sản chất lượng cao (như gạo, rau củ quả…); liên kết phát triển dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu, khai thác hiệu quả các sản phẩm kinh tế biển phục vụ xuất khẩu; liên kết phát triển các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng khu - cụm công nghiệp phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu; hợp tác, liên kết thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quy mô vùng…

Bên lề hội nghị kết hợp không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng, tạo cơ hội kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ của vùng đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp trong vùng đồng bằng sông Hồng có sản phẩm chất lượng cao, có tiềm năng và năng lực xuất khẩu được Ban tổ chức Hội nghị tạo điều kiện thuận lợi để tham gia hoạt động này.

Vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, TP: TP Hà Nội, TP Hải Phòng, các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình. Phía Bắc, Đông Bắc và phía Tây, Tây Nam giáp vùng trung du và miền núi phía Bắc; phía Nam giáp vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ. Đây là vùng có nền kinh tế phát triển năng động, không gian thị trường rộng lớn. Những năm qua, một số địa phương trong vùng đã có sự phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trong vùng và cả nước (như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên…). Hạ tầng thương mại phát triển khá với sự gia tăng nhanh của các loại hình thương mại hiện đại như thương mại điện tử, các siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, góp phần làm thay đổi diện mạo ngành thương mại của vùng và cả nước. Các ngành công, nông nghiệp thuộc ưu thế phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng gồm luyện kim, cơ chế, hóa chất, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, nhiệt điện, khai thác khí dầu, khai thác đá vôi, khai thác cao lanh, sản xuất lương thực, chăn nuôi gia súc và gia cầm...

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, hoạt động xuất nhập khẩu của vùng đồng bằng sông Hồng những năm qua luôn chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu xuất nhập khẩu chung của cả nước. Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt trên 260,88 tỷ USD, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, giảm gần 12,25 tỷ USD so năm 2022 do tác động chung của bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2023 đạt trên 126,94 tỷ USD, giảm trên 2,98 tỷ USD so năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 133,94 tỷ USD, giảm gần 9,26 tỷ USD so năm 2022. Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu vùng về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Hưng Yên…

Công tác xúc tiến thương mại được xác định là sợi dây liên kết các địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng trong xúc tiến tiêu thụ hàng hóa. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại mang tính liên kết vùng miền ổn định lâu dài và đạt hiệu quả. Các tỉnh, TP vùng đồng bằng sông Hồng trong 2 năm vừa qua đã tổ chức thành công nhiều hội chợ triển lãm thương mại cấp vùng, thu hút sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp. Tuy nhiên, công tác này cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt đa dạng các cơ hội thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm của vùng đồng bằng sông Hồng.

Theo Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng đồng bằng sông Hồng được định vị là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước để tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững.

Để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của vùng; đồng thời tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra trong phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp. Muốn vậy, vùng Đồng bằng sông Hồng cần phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá.

Những kinh nghiệm từ Hà Nội

Tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong lĩnh vực cơ khí, Hà Nội đã hình thành, phát triển các cụm liên kết ngành, các nhóm doanh nghiệp chuyên doanh sản phẩm cơ khí tạo ra sức cạnh tranh cao như các khu cụm công nghiệp cơ khí liên kết ngành chuyên sâu về linh kiện cơ khí chính xác cho ngành điện tử, ô tô, xe máy… Các khu, cụm công nghiệp liên kết này mang lại kết quả và hiệu quả vượt trội trong sản xuất so với các khu cụm công nghiệp khác. Do tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất cùng một lĩnh vực nên tạo ra động lực cạnh tranh phát triển rất lớn. Nhưng trên hết, khu cụm công nghiệp liên kết còn cho phép các doanh nghiệp có nhiều cơ hội gặp gỡ tìm hiểu, thiết lập quan hệ hợp tác, chuyên môn hóa trong sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực giao dịch, gia công đặt hàng, vận tải, cung cấp, xử lý chất thải,… Sự hợp tác này cho phép giảm thiểu rất nhiều về chi phí, tồn kho, thời gian giao nhận. Ngoài ra, khu cụm công nghiệp liên kết còn có lợi thế nhanh chóng triển khai ứng dụng, lan tỏa, chuyển giao tri thức và công nghệ mới,…

Thứ hai, Hà Nội tập trung liên kết phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dựa trên nhu cầu và lợi thế, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt: sản xuất linh kiện phụ tùng, công nghệ hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may-da giày; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hà Nội đã hình thành khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội do Công ty CP đầu tư và phát triển N&G là chủ đầu tư với quy mô 559 ha, trong đó giai đoạn 1 là 72 ha được quy hoạch để phát triển các ngành công nghiệp thuộc lĩnh vực cơ khí, chế tạo, dệt may - da giày, điện tử - tin học, chế tạo và lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghệ cao…

Hiện nay khu công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng và tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư. Năm 2024 TP đã thu hút đoàn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc mạng lưới hàng không vùng Kobe – Nhật bản chuyên sản xuất linh kiện công nghệ cao ngành hàng không vũ trụ, máy móc thiết bị ngành cơ khí chính xác vào đầu tư, hình thành tổ hợp Techno Park Việt Nam - Nhật bản tại khu công nghiệp.

Để đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, TP Hà Nội đã ban hành Đề án phát triển CNHT trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 (tại Quyết định số 6743/QĐ-UBND ngày 27/9/2017 của UBND TP); Chương trình phát triển CNHT thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 – 2025 (tại Quyết định số 2316/QĐ-UBND ngày 5/6/2020 của UBND TP) và Ban hành quy chế “Quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ và quy định mức chi cụ thể các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ của TP Hà Nội.

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tang-cuong-xuc-tien-thuong-mai-va-phat-trien-xuat-nhap-khau-vung-dong-bang-song-hong-383336.html