Tăng đầu tư cho y tế người dân được tiếp cận dịch vụ phòng bệnh sốt rét hiệu quả

Đó là nhấn mạnh của TS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống sốt rét được tổ chức tại TP Vinh (Nghệ An).

Sáng 25/4, tại TP Vinh (Nghệ An) Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Bộ Y tế) tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống sốt rét (25/4) với chủ đề "Dồn tổng lực để loại trừ sốt rét: Tăng cường đầu tư; đổi mới, sáng tạo; quyết tâm hành động" và Hội nghị Huy động nguồn lực cho phòng, chống và loại trừ sốt rét ở Việt Nam. Dự buổi mít tinh còn có lãnh đạo các Vụ, Cục Viện các đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế, lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An.

Toàn cảnh lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống sốt rét (25/4).

Toàn cảnh lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống sốt rét (25/4).

Tại Hội nghị, TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết sốt rét, căn bệnh tưởng chừng đã lùi xa, vẫn còn là mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa - nơi điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn.

TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.

TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.

Năm 2024, cả nước chỉ ghi nhận 353 bệnh nhân sốt rét, không có trường hợp tử vong; 48 tỉnh, thành phố đã được công nhận loại trừ sốt rét.

Trong 4 tháng đầu năm 2025, cả nước chỉ phát hiện 24 trường hợp có ký sinh trùng sốt rét, trong đó có tới 18 ca là sốt rét ngoại lai (chiếm 75%), giảm gần 82% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, các ca mắc mới chủ yếu xuất hiện tại các tỉnh phía Bắc, trong khi khu vực miền Trung và Tây Nguyên chưa ghi nhận ca nào có ký sinh trùng sốt rét.

Tuy nhiên, cuộc chiến loại trừ sốt rét vẫn còn nhiều thách thức, như: biến đổi khí hậu, di biến động dân cư, người dân đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu qua biên giới – đặc biệt là tại các quốc gia còn lưu hành sốt rét. Những yếu tố này đặt ra yêu cầu cấp thiết về các giải pháp sáng tạo và bền vững, nhằm kiểm soát và phòng ngừa sốt rét quay trở lại.

Do đó, theo TS Cảnh: Cần tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở, để mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ phòng, chống và điều trị sốt rét chất lượng. Đồng thời, chú trọng đầu tư cho nghiên cứu khoa học nhằm tìm ra các phương pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả hơn.

Viện trưởng Viện SRKSTCT Trung ương cũng đề xuất áp dụng công nghệ tiên tiến và các mô hình đổi mới sáng tạo trong phòng, chống và loại trừ sốt rét: sử dụng test nhanh có độ nhạy cao, phát hiện nhiều loại ký sinh trùng sốt rét; điều trị mở rộng cho nhóm có nguy cơ cao; tăng cường hợp tác phòng, chống sốt rét biên giới; giám sát và xét nghiệm sàng lọc cho người dân trở về từ các vùng lưu hành bệnh.

Bên cạnh đó, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của cộng đồng. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe – đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số – cần tiếp tục được tăng cường để nâng cao nhận thức, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đẩy lùi căn bệnh sốt rét.

Trong cuộc mít tinh, Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cũng tổ chức Hội nghị Huy động nguồn lực cho phòng, chống và loại trừ sốt rét ở Việt Nam.

Trong cuộc mít tinh, Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cũng tổ chức Hội nghị Huy động nguồn lực cho phòng, chống và loại trừ sốt rét ở Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ buổi mít tinh, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã tổ chức Hội nghị Huy động nguồn lực cho phòng, chống và loại trừ sốt rét ở Việt Nam, nhằm thể hiện quyết tâm thực hiện các cam kết quốc tế và huy động mọi nguồn lực hướng tới mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2030.

TS.BSCKII Lê Thị Hoài Chung – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An phát biểu tại buổi lễ.

TS.BSCKII Lê Thị Hoài Chung – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, TS.BSCKII Lê Thị Hoài Chung – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng lớn, địa hình đồi núi chia cắt, dân cư phân bố không đồng đều và tiếp giáp với vùng lưu hành sốt rét của nước bạn Lào. Những yếu tố này từng khiến công tác phòng, chống sốt rét trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng di dân tự do, lao động di biến động diễn ra thường xuyên cũng tạo điều kiện cho ký sinh trùng sốt rét xâm nhập và lan rộng.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự quan tâm, hỗ trợ sát sao từ Bộ Y tế, các viện chuyên ngành và các tổ chức quốc tế như WHO, HPA, RAI, CHAI, PATH…, cùng với sự kiên trì, nỗ lực bền bỉ của đội ngũ cán bộ y tế các cấp, Nghệ An đã chính thức được công nhận là tỉnh loại trừ sốt rét vào năm 2022. Đây là thành quả đáng trân trọng, là niềm tự hào và cũng là động lực để toàn ngành y tế tiếp tục phấn đấu vì mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ngày Thế giới phòng chống sốt rét (25/4) được kỳ họp thứ 60 của Đại Hội đồng Y tế Thế giới thông qua vào tháng 5/2007 với ấn định là ngày để ghi nhận nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát bệnh sốt rét một cách hiệu quả. Mục đích của sự kiện này là nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về căn bệnh sốt rét - một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và từng gây ra hàng triệu ca tử vong mỗi năm, đặc biệt tại các quốc gia có thu nhập thấp.

Sự kiện này cũng để cho các quốc gia đang ở trong vùng bị ảnh hưởng có cơ hội học hỏi lẫn nhau và hỗ trợ các quốc gia để cùng nỗ lực chống lại căn bệnh này. Ngày Thế giới phòng chống sốt rét còn có cơ hội để các nhà tài trợ mới liên kết với các đối tác toàn cầu chống lại sốt rét và cùng với các viện nghiên cứu có những công trình nghiên cứu khoa học có ích cho cộng đồng.

Từ Thành - V. Đồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tang-dau-tu-cho-y-te-nguoi-dan-duoc-tiep-can-dich-vu-phong-benh-sot-ret-hieu-qua-169250425102839577.htm