Tăng giá điện mức nào, thời điểm nào hợp lý?

Tăng giá điện là cần thiết khi giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao song theo các chuyên gia, cần có lộ trình phù hợp bởi nếu tăng mạnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.

Sức ép tăng giá điện rất lớn

Theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, giá than, giá dầu và tỷ giá là những vấn đề gây sức ép nhất với giá thành sản xuất điện năm 2022. Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ liên quan đến các phương án đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2021 và năm 2022 hôm 31/3, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, năm 2022, do bị lỗ hơn 26.000 tỷ đồng nên sức ép tăng giá điện đang ngày càng lớn.

Theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, giá than trộn trong nước của Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc năm 2022 đã tăng bình quân từ 34,7 - 46,4% so với giá than trộn bình quân từng loại của năm 2021, làm tăng chi phí của hầu hết các nhà máy nhiệt điện than.

Tăng giá điện cần tính toán thời điểm tránh ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế.

Tăng giá điện cần tính toán thời điểm tránh ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế.

Cùng đó, giá than nhập khẩu năm 2022 lên tới 362,8 USD/tấn, tăng 163% so với năm trước đó. Đặc biệt, riêng thời điểm tháng 4, giá than thế giới tăng vọt lên tới 705,4 USD/tấn, tăng 411% so với mức bình quân của năm 2021.

Giá khí cũng tăng 27,4% trong khi tỷ giá tăng tổng cộng 495,3 đồng/USD, tương ứng tăng 2,2% so với bình quân năm 2021 khiến doanh nghiệp sản xuất điện gặp vô vàn khó khăn khi chi phí mua điện từ các nhà máy từ nhiệt điện khí, nhiệt điện than nhập khẩu, nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc và các nhà máy năng lượng tái tạo tăng cao. Theo Bộ Công Thương, sức ép tăng giá điện rất lớn trong bối cảnh EVN đang bị lỗ rất lớn do chi phí đầu vào hơn 4 năm không được điều chỉnh.

TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng đã đến lúc cần phải xem tác động của giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, các chi phí sản xuất, chi phí vận tải… đến hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); từ đó, có thể xem xét mức điều chỉnh giá điện phù hợp.

Bên cạnh việc tính toán tác động của tăng giá điện tới sản xuất và đời sống của người dân, thì cũng cần có cái nhìn khách quan đối với doanh nghiệp. Bởi thế, theo vị chuyên gia này, nếu không tính đúng, tính đủ các chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh điện, sẽ gây nên những khoản lỗ rất lớn cho EVN. Điều này đứng về phương diện kinh tế thị trường là bất hợp lý. Việc tính toán giá điện, cũng như giá các dịch vụ công, các mặt hàng do Nhà nước điều hành giá theo đầu vào của thị trường là một trong những đòi hỏi cấp thiết hiện nay.

Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, vấn đề lâu dài là chúng ta phải có thị trường điện cạnh tranh, thay vì Nhà nước điều tiết giá bán lẻ như hiện nay, đơn vị bán lẻ và khách hàng thỏa thuận theo hợp đồng, không có sự can thiệp của Nhà nước. "Vấn đề không phải ở các mức điều chỉnh tăng 1%, 3% hay 5%... mà quan trọng là xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, EVN sẽ không còn độc quyền ở khâu bán lẻ điện, người dân sẽ được mua điện của nhiều nhà cung cấp với giá đàm phán. Nhà bán lẻ điện cũng sẽ phải tự cân đối, cạnh tranh về giá, chất lượng phục vụ có lợi nhất để thu hút khách hàng" - vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Không nên tăng giá vào cao điểm nắng nóng

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong gần 4 năm vừa qua chưa tăng giá điện trong bối cảnh giá cả và lạm phát còn cao. Do vậy việc tăng dù không mong muốn và vẫn phải làm nhưng không nên rơi vào thời gian cao điểm. Mức điều chỉnh phù hợp theo ông Lực gợi ý là từ 5 - 7% trong bối cảnh lạm phát dự báo ở mức cao hơn, đời sống của người dân và doanh nghiệp cũng còn khó khăn trong năm 2023.

Hoặc nếu ở mức tăng cao hơn thì cần có lộ trình tránh ảnh hưởng ổn định của nền kinh tế. Có thể chia lộ trình điều chỉnh giá điện thành hai đợt và mỗi đợt điều chỉnh tăng 7 - 8%. Nếu tình hình những tháng cuối năm thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thì có thể thực hiện điều chỉnh giá đợt 2.

TS Ngô Đức Lâm, nguyên cán bộ Bộ Công thương cho rằng, cần lưu ý 5 điểm sau đây để đảm bảo tính hài hòa. Thứ nhất, Nhà nước cần tính toán để lạm phát không tăng cao. Thứ hai, ngoài tăng giá điện bình quân thì cần tính toán, cân nhắc về các bậc giá điện sinh hoạt. Tốt nhất nên một giá để đảm bảo tính công bằng.

Thứ ba, Nhà nước cần trợ giá cho những người dùng ít và không đủ khả năng chi trả. Không nên lấy giá của người dùng nhiều chia cho người dùng ít gây mất công bằng. Thứ tư, nên công khai minh bạch cách tính giá điện bình quân. Thứ năm, giá điện tổng thể của Việt Nam nên tính toán lại. Không nên độc quyền về điện, hãy để điện trở thành một thị trường đúng nghĩa.

Mới đây, Chính phủ đã công bố khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân thấp nhất là 1.826,22 đồng/kWh; tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. Đây sẽ là khung giá để EVN và Bộ Công Thương căn cứ vào để đưa ra các phương án tăng giá điện, sau khi EVN hoàn thành việc tính toán chi phí sản xuất điện trong năm 2022.

Theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng, cơ chế giá bán lẻ điện bình quân sẽ căn cứ vào chi phí đầu vào. Nếu giá điện đầu vào tăng 5% thì giá bán lẻ điện sẽ được điều chỉnh và nếu chi phí giảm thì sẽ được điều chỉnh giảm. Sau khi kiểm tra giá thành, nếu chi phí của ngành điện dưới 5% thì thuộc thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ của EVN, nếu chi phí vượt quá 5% thì thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương, nếu chi phí đầu vào tăng trên 10% thì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Sáng 3/4: Phút Kinh Hoàng Xe Khách Lao Vào Nhà Dân Khiến 10 Người Thương Vong | SKĐS

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tang-gia-dien-muc-nao-thoi-diem-nao-hop-ly-169230403155148842.htm