Tăng giá thu mua mía: Thêm niềm tin cho người trồng

Ngày 2-3-2020, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương thông báo tăng giá thu mua mía nguyên liệu thấp nhất từ 850 nghìn đồng/tấn trở lên và cam kết duy trì ổn định trong 3 niên vụ liên tiếp, có điều chỉnh tăng nếu giá đường trên thị trường tăng lên. Đây được xem là tín hiệu tích cực đối với người trồng mía trong bối cảnh diện tích mía phế canh liên tục tăng trong những năm gần đây.

Xã Thái Hòa (Hàm Yên) hiện còn hơn 90 ha mía nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy đường Tuyên Quang. Năm 2020, UBND huyện Hàm Yên có kế hoạch trồng mới 10 ha mía trên toàn huyện, tập trung tại 3 xã Thái Hòa (3 ha), Thái Sơn (3 ha) và Bình Xa (4 ha). Ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho biết, sau khi Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương có động thái tăng giá thu mua mía nguyên liệu, người trồng mía ở Thái Hòa cũng thêm tin tưởng, vì cây mía với bà con lâu nay vẫn là một trong những cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Cùng với những chính sách hỗ trợ từ Công ty đường, UBND xã Thái Hòa cũng trích từ nguồn chi thường xuyên của xã để hỗ trợ người dân trồng mới mía nguyên liệu trong thời điểm này.

Mô hình trồng giống mía mới áp dụng quy trình thâm canh do Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tại xã Tam Đa.

Mô hình trồng giống mía mới áp dụng quy trình thâm canh do Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tại xã Tam Đa.

Năm 2020, Thái Hòa hỗ trợ người dân trồng mới mía mỗi hộ 1,5 triệu đồng/ha, trong đó, các hộ trồng mới phải ký cam kết thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật của cán bộ nông vụ hướng dẫn, đảm bảo năng suất mía nguyên liệu trên diện tích này phải đạt tối thiểu 80 tấn/ha.

Ông Bùi Văn Cương, thôn Quang Thái 2 vừa hoàn thành trồng mới 0,4 ha mía. Theo ông Cương, những chính sách kích cầu kịp thời của Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương và của UBND xã Thái Hòa đã giúp những người trồng mía như ông thêm tin tưởng để duy trì diện tích mía cũ và mở rộng diện tích mía mới. Gia đình ông Cương cùng với 11 hộ dân thôn Ninh Tuyên, Quang Thái 2, Khánh An vừa hoàn thành trồng mới 2,2 ha mía trong 2 tháng đầu năm 2020.

Chủ tịch UBND xã Thái Hòa Phạm Văn Hùng phấn khởi, sau chính sách tăng giá của Công ty và hỗ trợ của UBND xã, diện tích mía trồng mới của người dân Thái Hòa đăng ký tăng thêm gần 1 ha so với 3 ha UBND huyện Hàm Yên giao. UBND xã Thái Hòa cũng phấn đấu năm 2020 không có thêm diện tích mía bị phế canh, khi chỉ trong năm 2019, diện tích này trên địa bàn xã là gần 60 ha.

Xã Tam Đa (Sơn Dương) hiện có 126 ha mía nguyên liệu. Để nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu, từ những niên vụ trước, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương thường xuyên phối hợp với UBND xã triển khai tập huấn, hỗ trợ người dân kỹ thuật thâm canh tăng năng suất mía với các mô hình chăm sóc mía lưu gốc và đưa giống mía mới có năng suất, chất lượng cao vào trồng. Gia đình ông Nguyễn Văn Minh, thôn Đồng Tâm, xã Tam Đa có hơn 1,8 ha mía nguyên liệu. Từ niên vụ 2017 - 2018, gia đình ông đã áp dụng kỹ thuật thâm canh chăm sóc mía lưu gốc với giống mía ROC 22 năm thứ 2 trên đất đồi. Thực tế sản xuất cho thấy, diện tích mía thực hiện biện pháp thâm canh cho năng suất, chất lượng mía cao, bình quân đạt 95 tấn/ha; lợi nhuận hơn 40 triệu đồng/ha. Ông Minh cho biết, năm nay gia đình tiếp tục chú trọng chăm sóc đúng kỹ thuật được hướng dẫn, do vậy mía lưu gốc đến năm thứ 4 nhưng năng suất vẫn đạt bình quân 85 tấn/ha. Năm nay gia đình tiếp tục đăng ký làm đất, mua giống để trồng lại toàn bộ diện tích mía.Năm 2020, Tuyên Quang có kế hoạch trồng mới 120 ha mía nguyên liệu cho các xã, thị trấn nằm trong vùng nguyên liệu mía đường. Cùng với kế hoạch trồng mới, các địa phương tập trung trồng lại 1.260 ha, chăm sóc 3.159 ha mía lưu gốc. Toàn tỉnh phấn đấu năng suất mía cả năm 70,42 tấn/ha; sản lượng 319.656 tấn.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Hàm Yên kiểm tra mía trồng lại tại xã Thái Hòa.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Hàm Yên kiểm tra mía trồng lại tại xã Thái Hòa.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, cùng với thay đổi chính sách thu mua, Công ty đã thành lập lại Trại giống mía tại xã Phú Lương, huyện Sơn Dương trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu mía đường để cải tạo chất lượng giống mía của vùng nguyên liệu mía. Niên vụ 2018 - 2019, bước đầu đánh giá về bộ giống đang thử nghiệm cũng như các giải pháp trong giai đoạn 2018 - 2020, quy hoạch các giống chiến lược cho giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, ưu tiên lựa chọn và nhân nhanh các giống mía tốt có năng suất, chất lượng cao để phục vụ phát triển vùng nguyên liệu (bộ giống mía chủ lực gồm: ROC 22, ROC 10, QĐ 42, VĐ 93-159) và tiếp tục theo dõi, khảo nghiệm các giống mía mới KK 3, QT; LK 9211, LS1... để thay thế dần cơ cấu giống hiện có, thực hiện rải vụ phù hợp với từng vùng nguyên liệu, hạn chế tình trạng mía chín tập trung. Niên vụ ép 2018 - 2019, diện tích trồng mía giống đạt tiêu chuẩn chiếm khoảng 87,3%; diện tích trồng giống cũ còn khoảng 12,7%. Đồng thời, ký hợp đồng với Trường Đại học Tân Trào để phục tráng các giống mía tốt bằng phương pháp nuôi cấy mô với số lượng từ 40.000 - 100.000 cây giống/năm; xây dựng các vườn mía giống gốc tại các xã Chiêu Yên, Bình Xa, Vinh Quang, Phúc Sơn, Minh Quang, Tuân Lộ... để nhân giống phục vụ sản xuất.

Theo Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, hiện số lượng hộ dân ký hợp đồng trồng mía với đơn vị này đạt gần 14 nghìn hộ. Mặc dù năm 2020, Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương tiếp tục gặp khó khăn về thị trường, đầu ra do tình hình chung và do dịch bệnh Covid-19 nói riêng, nhưng đơn vị này cam kết, sẽ bằng mọi cách đồng hành với những người trồng mía trên địa bàn tỉnh, để cây mía vẫn giữ vị thế chủ lực trong cơ cấu cây trồng của tỉnh Tuyên Quang.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/tang-gia-thu-mua-mia-them-niem-tin-cho-nguoi-trong-129999.html