Tăng giá trị M&A gấp sáu lần nhờ 'bán' câu chuyện ESG

Khảo sát của Deloitte Châu Á – Thái Bình Dương chỉ ra những doanh nghiệp có câu chuyện rõ ràng về ESG dự kiến có thể tăng giá trị thương vụ M&A lên gấp sáu lần.

Nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến ESG trong quyết định tái cơ cấu danh mục. Ảnh: Hoàng Anh

Nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến ESG trong quyết định tái cơ cấu danh mục. Ảnh: Hoàng Anh

Theo khảo sát hơn 250 lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Deloitte, trong khoảng 18 tháng tới sẽ có 79% lãnh đạo các doanh nghiệp tiến hành ít nhất hai lần thoái vốn khỏi các tài sản không phù hợp với chiến lược nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Xu thế ESG và hành trình hướng đến mức phát thải ròng bằng 0 được liệt kê là một trong năm yếu tố chính thúc đẩy việc tái cơ cấu doanh nghiệp đầu tư. Yếu tố này thể hiện mạnh mẽ đối với ngành năng lượng, với làn sóng thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch để đầu tư những dự án “xanh” hơn như điện gió, điện mặt trời.

Hơn 50% số nhà quản trị tham gia khảo sát cho biết yếu tố ESG thường xuyên được thảo luận trong những đợt thoái vốn gần đây. Theo đó, ESG ngày càng trở thành vai trò trọng tâm để nhà đầu tư đưa ra quyết định, bao gồm tái cơ cấu danh mục hoặc tái định hình bộ tiêu chí để đánh giá danh mục đầu tư.

Vai trò trọng tâm này thể hiện ở các giá trị giao dịch trong thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A), theo khảo sát, dự kiến có thể tăng gấp sáu lần so với thỏa thuận, nếu doanh nghiệp có một câu chuyện ESG đủ rõ ràng.

“Nhà đầu tư và các bên liên quan xem xét độ tin cậy trong câu chuyện ESG của doanh nghiệp như một dự đoán rủi ro và lợi nhuận của doanh nghiệp đó trong xu thế mới”, báo cáo phân tích.

Bởi lẽ, ESG không còn là một giá trị “có thì tốt” mà đang dần trở thành điều kiện bắt buộc để tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, những chính sách của các quốc gia đang dành rất nhiều sự ưu ái cho dự án “xanh”, với những gói tài trợ lên đến hàng chục nghìn tỷ USD đang và sẽ tiếp tục được ban hành.

Mặt khác, theo đuổi ESG giúp doanh nghiệp tạo dựng được thương hiệu đẹp trong mắt đối tác, khách hàng và người lao động, đồng thời hạn chế rủi ro gây ra bởi sự thiếu bền vững, chẳng hạn như hoạt động xả thải gây ô nhiễm hay đối xử bất công với người lao động bị phanh phui.

Một giá trị đáng kể khác là thực hành ESG giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận bền vững hơn, thông qua sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu vào, bao gồm nguyên vật liệu, năng lượng, lao động.

Điều đó mở ra cho các doanh nghiệp thực hành tốt ESG cơ hội lớn để nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh so với những doanh nghiệp thờ ơ với xu thế phát triển bền vững của thời đại.

Đối với các nhà đầu tư và quản lý tài sản, việc rót vốn vào doanh nghiệp thực hành ESG còn là cơ hội tốt để học hỏi, tiếp thu thêm kinh nghiệm triển khai ESG trong doanh nghiệp, qua đó cải thiện hiệu suất và giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận hành quỹ. Thực chất, quỹ đầu tư cũng được xem như một doanh nghiệp và cũng cần tuân thủ các quy trình ESG để đạt được hiệu quả cao.

Trong tương lai, khi các tiêu chuẩn ESG trở thành ràng buộc pháp lý, chi phí tuân thủ cũng sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều đối với doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị từ sớm.

Hoàng Đông

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/tang-gia-tri-ma-gap-sau-lan-nho-ban-cau-chuyen-esg-1721830588353.htm