Tăng huyết áp - bệnh lý thường gặp nhưng không được chủ quan

Khi xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, nôn kéo dài, người dân nên đến các cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Nữ bệnh nhân N.T.H, 54 tuổi, đến Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ khám do đau đầu kéo dài trong suốt 1 tháng.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân ị cao huyết áp - bệnh lý 12 triệu người dân Việt Nam thường mắc phải. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cao huyết áp dù là bệnh lý hay gặp, người dân cần phải cảnh giác.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bệnh nhân N.T.H (54 tuổi, Hà Nội) chia sẻ rằng, cách đây một tháng, cô bắt đầu cảm thấy đau đầu âm ỉ, thỉnh thoảng đau dữ dội ở vùng đỉnh thái dương hai bên.

Trong thời gian này, bệnh nhân đã tự đo huyết áp tại nhà và nhận thấy huyết áp dao động từ 140-160mmHg, có lúc lên tới 170mmHg. Mặc dù chưa từng đi khám chuyên khoa tim mạch, bệnh nhân vẫn tự ý mua thuốc giảm đau để uống, nhưng chỉ cảm thấy đỡ chứ không dứt điểm được cơn đau.

Khi thời tiết chuyển lạnh, đặc biệt là khi mưa, tình trạng đau đầu của bệnh nhân lại trở nên nghiêm trọng hơn. Nhận thấy tình trạng không thuyên giảm, gia đình khuyên cô đi khám, và cô chọn đến Phòng khám Đa khoa Đa khoa Medlatec Tây Hồ.

Tại đây, bác sỹ kiểm tra huyết áp và đo được kết quả là 170/90mmHg. Sau khi nghỉ ngơi 30 phút, huyết áp của bệnh nhân giảm xuống còn 150/80mmHg.

Với chẩn đoán sơ bộ là đau đầu do tăng huyết áp, bác sỹ CKI Hoàng Anh Tuấn - chuyên khoa Thần kinh, Phòng khám Đa khoa Đa khoa Medlatec Tây Hồ, đã chỉ định bệnh nhân thực hiện các thăm khám chuyên sâu để loại trừ tổn thương não.

Kết quả chẩn đoán xác định đau đầu do tăng huyết áp. Ngay lập tức, bệnh nhân được nhập viện điều trị nội khoa để hạ huyết áp, tránh nguy cơ đột quỵ hoặc tổn thương não. Sau 1 tuần điều trị, huyết áp của bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt, và cô không còn cần dùng thuốc giảm đau hay thuốc tuần hoàn não.

Bác sỹ Tuấn cho biết, có hai tiêu chuẩn điều trị cấp cứu đối với huyết áp cao: Thứ nhất, huyết áp tăng đột ngột; thứ hai, kèm theo đau đầu dữ dội.

Trong trường hợp này, mức độ đau đầu không quá nghiêm trọng, tuy nhiên cần phải điều chỉnh huyết áp ngay, nhưng chưa đến mức xếp vào tình trạng tăng huyết áp khẩn cấp, chỉ gọi là cơn tăng huyết áp có triệu chứng ở cơ quan đích.

Theo thống kê, tại Việt Nam có khoảng 12 triệu người mắc tăng huyết áp, tức là mỗi 5 người trưởng thành thì có 1 người bị bệnh này. Huyết áp cao có thể gây ra nhiều triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, ù tai, và các vấn đề khác.

Trường hợp của bệnh nhân N.T.H. chỉ gặp triệu chứng đau đầu, một tình trạng thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau như căng thẳng, thiếu ngủ, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, hay do các bệnh lý về thần kinh, nội tiết. Nhiều người có thể nhầm lẫn và chủ quan cho rằng đau đầu là do virus mùa lạnh hoặc các bệnh lý về mũi họng, nhưng thực tế, đây có thể là dấu hiệu của tăng huyết áp.

Bác sỹ CKI Hoàng Anh Tuấn khuyến cáo rằng, khi xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, nôn kéo dài, người dân nên đến các cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Bác sỹ Tuấn cũng lưu ý, dù huyết áp cao là bệnh lý hay gặp, nhưng nếu không được kiểm soát và điều trị sớm, nó có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim, hoặc giảm thị lực. Huyết áp cao còn được ví như "kẻ giết người thầm lặng".

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lý huyết áp cao bao gồm tiền sử gia đình có bệnh tim mạch hoặc huyết áp cao.

Lối sống không lành mạnh (chế độ ăn uống không hợp lý, hút thuốc, uống rượu, ít vận động).

Tình trạng thừa cân hoặc béo phì. Căng thẳng kéo dài, các bệnh lý nền như tiểu đường, cholesterol cao. Người ≥ 50 tuổi cần đo huyết áp định kỳ ít nhất mỗi 6 tháng đến 1 năm.

Điều trị huyết áp cao: Người bệnh cần tuân thủ uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sỹ. Nếu trong quá trình điều trị gặp bất kỳ vấn đề gì, bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sỹ để được xử lý kịp thời.

Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, bác sỹ khuyến cáo người dân thực hiện duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh: Tập thể dục đều đặn, tránh thuốc lá, hạn chế bia rượu, kiểm soát cân nặng và ăn uống hợp lý.

Giảm căng thẳng, thư giãn bằng các phương pháp như thiền, yoga, hít thở sâu, có thể giúp giảm huyết áp từ 5-7mmHg.

Hạn chế muối trong chế biến thực phẩm, vì việc giảm muối có thể giảm huyết áp từ 5-6mmHg.

Tăng cường ăn rau, trái cây, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa ít béo, thịt nạc, cá, và các loại hạt; hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tang-huyet-ap---benh-ly-thuong-gap-nhung-khong-duoc-chu-quan-d248826.html