Tăng mảng xanh, bảo vệ môi trường đô thị

Trong quy hoạch, Hà Nội luôn chú trọng đẩy mạnh yếu tố 'xanh' để tăng mảng xanh cho đô thị. Đặc biệt, việc mở rộng các không gian xanh công cộng ở nhiều nơi đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của đô thị, hướng đến xây dựng Hà Nội trở thành nơi đáng sống.

Cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ quận Ba Đình, Hà Nội gieo trồng hoa tại khu vực bờ vở sông Hồng. (Ảnh: Thanh Tuấn)

Cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ quận Ba Đình, Hà Nội gieo trồng hoa tại khu vực bờ vở sông Hồng. (Ảnh: Thanh Tuấn)

Phủ xanh cho đô thị

Hành lang xanh là một khái niệm được áp dụng ngày càng phổ biến trong quy hoạch đô thị hiện đại, đặc biệt là ở những đô thị lớn đang đối mặt với các thách thức về môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Vì vậy, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn Hà Nội cũng đã có nhiều sáng kiến, hoạt động trong công tác bảo vệ môi trường ở khu dân cư thông qua việc cải tạo các bãi rác ô nhiễm, trồng cây tạo mảng xanh, được tổ chức đến khu phố. Điều đáng mừng, Hà Nội luôn lấy người dân làm trung tâm triển khai, để chính mỗi người dân tham gia thực hiện và là đối tượng thụ hưởng. Cùng với những dự án lớn của thành phố, hiện có nhiều nỗ lực của các tổ chức xã hội và cộng đồng người dân trong việc kiến tạo và mở rộng không gian công cộng.

Mới đây, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Ba Đình đã phối hợp với UBND phường Phúc Xá tổ chức phát động Tháng hành động vì môi trường - Ra quân phủ xanh bờ vở sông Hồng. Theo đó, tiếp quản khu vực bờ vở sau khi được giải tỏa, cán bộ, hội viên phụ nữ, đoàn viên, nòng cốt là đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ phường Phúc Xá đã tích cực làm đất, gieo hạt giống hoa, tạo cảnh quan xây dựng công trình công ích cộng đồng tại bờ vở sông Hồng.

Cùng với đó, để quản lý, chống tái lấn chiếm và bảo vệ môi trường, Đảng ủy, chính quyền và hệ thống chính trị phường Phúc Xá sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.

Trước đó, trao đổi về việc phát triển không gian xanh đô thị, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính cho rằng, các giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh, mặt nước của Hà Nội có thể đến từ việc cần phải hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về quản lý hồ và cây xanh; xây dựng luật về cây xanh đô thị; hạn chế những yếu kém trong quản lý cây xanh đô thị bằng cách đánh giá lại công tác quy hoạch cây xanh đô thị.

Đoàn thanh niên, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải khu vực lòng sông Hồng. (Ảnh: Thanh Tuấn)

Đoàn thanh niên, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải khu vực lòng sông Hồng. (Ảnh: Thanh Tuấn)

Bảo vệ “lá phổi” của đô thị

Việc gia tăng diện tích xanh sẽ góp phần làm “mềm hóa” không gian, tạo nên nhiều điểm nhấn thẩm mỹ - xanh - sinh thái cho khu vực nội đô, cũng như nâng cao tiện ích sống cho người dân, tiệm cận đến các giá trị sống xanh và sinh thái.

Điều này cũng sẽ cho phép bổ sung số lượng đáng kể diện tích cây xanh, đang còn rất thiếu. Một số chuyên gia cho rằng, hạn chế lớn nhất là tỷ lệ không gian xanh vừa thấp vừa phân bố không đồng đều. Một loạt các công viên và vườn hoa đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa thỏa mãn nhu cầu và khoảng cách phục vụ cho cư dân đô thị. Nhiều khu đất được quy hoạch cho chức năng không gian xanh vẫn chưa được đầu tư xây dựng, bị bỏ hoang, đổ rác thải hoặc tận dụng kinh doanh tạm… làm mất dần vai trò hành lang sinh thái, trở thành những không gian cảnh quan kém hấp dẫn và ô nhiễm nhất trong đô thị.

Quy hoạch không gian xanh được xem là một thành phần không thể thiếu trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các giải pháp quy hoạch không gian xanh cần được xem xét kỹ hơn về các yếu tố thiên nhiên và làm rõ vai trò điểm nhấn để tạo bản sắc trong đô thị. PGS.TS Lê Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, trong dự thảo định hướng và tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh rõ quan điểm phát triển không gian xanh, không gian công cộng đô thị. Theo đó, thành phố sẽ phát triển không gian theo chiều cao trên mặt đất, hạ thấp tỉ lệ diện tích đất cho xây dựng, tăng không gian xanh, không gian công cộng, bảo vệ không gian sông hồ, cảnh quan mặt nước...

Hà Nội cần diện tích không gian xanh bình quân 2,43m2/người. Từ cơ sở này, việc xác định hướng phát triển đô thị như Hà Nội vừa phải bảo tồn bề dày trầm tích văn hóa với nhiều lớp lịch sử chất chứa trong mình lại phải tạo ra một cộng đồng đô thị hiện đại, lấy con người làm trung tâm là những tiêu chí giúp Hà Nội phát triển theo hướng vững vàng, bền vững.

“Tiềm năng lớn nhất của sông Hồng nếu có định hướng quy hoạch tốt là quỹ đất, trong đó với riêng khu vực bãi giữa, bãi bồi trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là hơn 300ha. Tại khu vực nội đô lịch sử, mỗi người dân hiện được hưởng thụ bình quân 5-5,5m2 không gian xanh. Nếu khai thác được quỹ đất bãi làm không gian xanh, tỷ lệ trên sẽ được nâng lên tới gần 8m2/người” – TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết.

Triệu Tâm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tang-mang-xanh-bao-ve-moi-truong-do-thi-384720.html