Tặng quýt đầu năm để cả năm gặp nhiều may mắn

Người dân ở các nước ăn Tết Nguyên đán như Việt Nam, Trung Quốc, Singapore… thường tặng quýt đầu năm để chúc nhau gặp nhiều may mắn, trường thọ và có nhiều con.

Quýt là loại trái cây thường gặp trong ngày Tết ở các nước châu Á.

Người Việt Nam thường thích chưng những cây quýt sai quả, xanh tốt vào ngày Tết để thể hiện sự trù phù, hứa hẹn một năm mới ăn nên làm ra, dồi dào sức khỏe. Người Việt tin rằng những cây quýt trĩu quả là hiện thân của tài lộc. Quả càng sai và to thì tài lộc càng nhiều. Loại trái cây này còn là biểu tượng cho sức khỏe, bình an, trường thọ và may mắn trong tình yêu.

Ở Trung Quốc, từ thời nhà Thanh, các bậc cha mẹ sẽ đặt quýt, vải thiều, chà là hoặc quả hồng cùng với phong bao lì xì bên gối của con cái. Sau khi thức dậy, bọn trẻ sẽ ăn trái cây và nhận tiền được đặt sẵn. Người Trung Quốc tin rằng làm như vậy sẽ xua đuổi tà ma trong ngày Tết.

Có nhiều cách giải thích về việc quýt được xem là biểu tượng may mắn ở Trung Quốc. Nhiều người lý giải vì cách phát âm trong tiếng phổ thông của “quýt” nghe giống như từ “may mắn”. Cách phát âm tiếng Quảng Đông của quýt lại nghe giống từ “vàng”. Do đó, người Trung Quốc thường để quýt trong nhà ngày Tết để cầu may mắn và tài lộc cả năm.

 Cây quýt trĩu quả, cành là sum suê được xem là một biểu tượng của sự trường thọ, nhiều con. Ảnh: Harvest to Table.

Cây quýt trĩu quả, cành là sum suê được xem là một biểu tượng của sự trường thọ, nhiều con. Ảnh: Harvest to Table.

Trong khi đó, tại quận Wakayama của Nhật Bản, nơi nổi tiếng với nghề trồng quýt, còn có một ngôi đền thờ thần quýt (thần mikan).

Ngày nay, quýt vẫn là một trái cây được ưa chuộng đến mức nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn đôla để mua. Năm 2020, một thùng quýt satsuma ở Nhật Bản đã được bán với giá gần 10.000 USD. Vào ngày Tết, giá quýt thường đối mặt với tình trạng tăng cao do nhu cầu quá lớn.

Ở miền Nam Trung Quốc, người ta tặng quýt vào dịp Tết Nguyên đán để chúc nhau năm mới may mắn. Tập tục này đã lan sang các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia và Indonesia với số lượng lớn người gốc Hoa.

Những quả cam quýt được tặng thường đi theo cặp - số chẵn được cho là tốt lành trong khi số lẻ thì mang lại điềm xui - như hành động cầu chúc tốt lành. Những cây quýt còn thân và lá được xem là biểu tượng của sự trường thọ, nhiều con.

Ở Nhật Bản, trong dịp Tết Nguyên đán, quả quýt thường được đặt lên hai chiếc bánh gạo mochi. Trước đây, người Nhật sẽ đặt một quả cam gọi là daidai (phát âm tương tự “thế hệ này sang thế hệ khác” trong tiếng Nhật) nhưng hiện nay người ta đã thay bằng quýt mikan để năm mới “ngọt ngào hơn”.

Ở Hàn Quốc, quýt không gắn liền với Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sự yêu thích với loại trái cây này ở Hàn cũng không thấp hơn các nước láng giếng. Quýt là một loại trái cây gắn liền với sự sang trọng, thường được mua làm quà tặng quanh năm.

Đông Tùng

Theo Time

Nguồn Znews: https://znews.vn/tang-quyt-dau-nam-de-ca-nam-gap-nhieu-may-man-post1459237.html