Tăng thuế thuốc lá có thể giúp hơn 3 triệu người bỏ thuốc

Việt Nam đang đối mặt với một thực trạng đáng lo ngại khi tỷ lệ hút thuốc vẫn ở mức cao, trong khi giá thuốc lá lại thuộc hàng rẻ nhất khu vực.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giá một bao thuốc lá tại Việt Nam chỉ khoảng 0,9 USD, xếp thứ 15/19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

Bà Phan Thị Hải trao đổi với phóng viên.

Bà Phan Thị Hải trao đổi với phóng viên.

Trên thực tế, khảo sát năm 2023 của Trường Đại học Y tế Công cộng cho thấy, tại Hà Nội và TP.HCM, có đến 40 nhãn hiệu thuốc lá được bán dưới mức 10.000 đồng/bao, thậm chí nhiều loại chỉ dao động từ 7.000 đến 8.000 đồng.

Mức giá quá thấp khiến thuốc lá trở nên dễ tiếp cận với mọi đối tượng, đặc biệt là thanh thiếu niên và người có thu nhập thấp - những nhóm dễ bị tổn thương nhất trước tác hại của thuốc lá.

Mặc dù Việt Nam đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở mức 75% trên giá xuất xưởng, nhưng do cơ chế tính thuế theo tỷ lệ, mức thu thuế thực tế vẫn thấp và không đủ sức tác động đến hành vi tiêu dùng.

Một bao thuốc lá bán lẻ với giá 10.000 đồng chỉ bị đánh thuế khoảng 3.900 đồng vì giá xuất xưởng quá thấp. Do đó, mỗi lần tăng thuế 5% chỉ tương đương với việc tăng giá chưa đến 300 đồng/bao, không đủ để kiềm chế tiêu dùng trong bối cảnh thu nhập và lạm phát đều gia tăng hàng năm.

Tại Hội thảo về phòng chống tác hại của thuốc lá tổ chức ngày 8/5, Thạc sĩ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá khẳng định, tăng thuế thuốc lá là giải pháp hiệu quả và cần thiết nhất hiện nay.

Theo tính toán của Bộ Y tế và WHO, nếu Việt Nam áp dụng mức thuế tuyệt đối 15.000 đồng/bao vào năm 2030, nhà nước có thể thu thêm khoảng 46.400 tỷ đồng mỗi năm, gần gấp 3 lần so với mức thu hiện nay (17.400 tỷ đồng). Quan trọng hơn, biện pháp này có thể giúp giảm tới 3,2 triệu người hút thuốc, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm gánh nặng y tế.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc tăng mạnh thuế thuốc lá là hoàn toàn khả thi và mang lại hiệu quả rõ rệt. Philippines, sau khi cải cách thuế vào năm 2012, đã chứng kiến doanh thu thuế tăng từ 680 triệu USD lên 2,9 tỷ USD trong vòng một thập kỷ. Đồng thời, tỷ lệ hút thuốc giảm từ 27% xuống 19,5%.

Tại Thái Lan, trong giai đoạn từ 1993 đến 2017, nước này đã tăng thuế thuốc lá tới 11 lần, khiến tỷ lệ hút thuốc giảm mạnh từ 32% xuống còn 19,1%, trong khi doanh thu thuế tăng gấp bốn lần.

Trong khi đó, Việt Nam hiện có hơn 15 triệu người hút thuốc. Mỗi năm, thuốc lá gây ra khoảng 104.300 ca tử vong, trong đó 85.500 người chết vì hút thuốc trực tiếp và 18.800 người chết do hút thụ động.

Tổn thất kinh tế do thuốc lá gây ra, bao gồm chi phí y tế và năng suất lao động bị mất ước tính lên tới 108.000 tỷ đồng mỗi năm, cao gấp hơn năm lần số thu thuế từ ngành hàng này.

Để khắc phục những bất cập hiện nay, Bộ Y tế và WHO đề xuất áp dụng song song cả hai loại thuế: giữ nguyên thuế suất tỷ lệ 75% và bổ sung thuế tuyệt đối, với lộ trình cụ thể.

Cụ thể, từ năm 2026, mỗi bao thuốc cần bị đánh thêm ít nhất 5.000 đồng tiền thuế, và tăng lên 15.000 đồng vào năm 2030. Đây là mức thuế có thể giúp tăng giá thuốc lá một cách đáng kể, qua đó khiến sản phẩm này trở nên kém hấp dẫn hơn, đặc biệt với người trẻ và người nghèo.

Việc cải cách thuế thuốc lá không chỉ là một chính sách tài khóa mà còn là một biện pháp y tế công cộng quan trọng. Trong bối cảnh gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá ngày càng gia tăng, tăng thuế là biện pháp mang tính cấp thiết và bền vững nhất để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu chi phí y tế, đồng thời gia tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước.

Việt Nam không thể chậm trễ hơn trong việc điều chỉnh chính sách thuế thuốc lá nếu muốn đạt được mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao sức khỏe toàn dân.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tang-thue-thuoc-la-co-the-giup-hon-3-trieu-nguoi-bo-thuoc-d280233.html