Kết nối tín dụng xanh thúc đẩy các khu công nghiệp xanh phát triển bền vững
Diễn đàn 'Kết nối tín dụng xanh-Khu công nghiệp xanh' khai mạc chiều nay (9/5) tại thành phố Đà Nẵng với hơn 100 đại biểu tham dự. Sự kiện do Thời báo Ngân hàng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 9 tổ chức.

Diễn đàn “Kết nối tín dụng xanh-Khu công nghiệp xanh” khai mạc chiều 9/5 tại thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tín dụng xanh tại Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi, cơ hội để phát triển, nhờ có các định hướng, quy định rất rõ ràng. Ngân hàng nhà nước đã ban hành hàng loạt chính sách và văn bản hướng dẫn nhằm khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của tín dụng xanh.
Đến nay 50 đơn vị phát sinh dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017-2024 đạt hơn 22%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu khai mạc diễn đàn. (Ảnh: ANH ĐÀO)
“Tuy nhiên tỷ lệ tín dụng xanh trên tổng dư nợ tín dụng mới chiếm khoảng 4,6%, cho thấy tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Việc thúc đẩy tín dụng xanh hỗ trợ sự hình thành và nhân rộng các khu công nghiệp xanh vẫn còn đối diện với không ít thách thức do các điều kiện để được công nhận là khu công nghiệp xanh hiện nay chưa được hướng dẫn cụ thể.
Danh mục, ngành, lĩnh vực xanh chưa được thống nhất áp dụng chung trên cả nước nên các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng”, Phó Thống đốc, cho biết.
Theo bà Lê Thị Thúy Sen, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng: Tại Việt Nam, khái niệm khu công nghiệp sinh thái (xanh) được thể chế hóa lần đầu tiên tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018.
Thành phố Đà Nẵng là địa phương duy nhất ở miền trung và là một trong ba tỉnh thành đầu tiên của cả nước tham gia thí điểm các giải pháp chuyển đổi theo mô hình khu công nghiệp sinh thái trong khuôn khổ Dự án hợp tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đà Nẵng hiện là một trong ba địa phương trong cả nước tham gia thí điểm các giải pháp chuyển đổi theo mô hình khu công nghiệp sinh thái trong khuôn khổ Dự án hợp tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong ảnh là một góc Khu công nghệ cao Đà Nẵng. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Theo ban tổ chức, hiện nay, các vấn đề ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái và khí hậu thay đổi đang ngày càng có những biểu hiện rõ nét, và trở thành những vấn đề nóng toàn cầu. Ở Việt Nam, qua hơn 30 năm từ khi phát triển khu công nghiệp cho thấy nhiều vấn đề tồn tại trong quá trình phát triển, quy hoạch, và hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội, môi trường của các khu công nghiệp.
Từ năm 2014, các tỉnh/thành phố như: Đà Nẵng Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai...đã có chủ trương chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp xanh.
Đến nay đã có nhiều khu công nghiệp tham gia và triển khai thành công. Trong số 290 khu công nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, có khoảng 1-2% trong số đó đang thực hiện các bước trở thành khu công nghiệp sinh thái/xanh. Con số này vẫn tiếp tục tăng lên.
Riêng tại Đà Nẵng, hiện có 6 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.100ha. Đà Nẵng đang trên đường xây dựng tăng trưởng xanh tại các khu công nghiệp, thí điểm chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái.
Với mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 2-3 khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia, hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã chuyển đổi sang các mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn, cải tiến quy trình quản lý và vận hành, đổi mới công nghệ sản xuất để giảm các nguồn gây ô nhiễm, thực hiện cộng sinh công nghiệp...

Thành phố Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.100ha. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Để hỗ trợ các khu công nghiệp trong quá trình xanh hóa, thời gian qua, với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, ngành ngân hàng đang tích cực thúc đẩy tín dụng xanh để các khu công nghiệp có thêm nguồn lực nâng cao, cải tiến công nghệ, chuyển đổi sản xuất xanh bền vững.
Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung trọng tâm như đánh giá tình hình triển khai các mô hình khu công nghiệp xanh hiện nay; Đánh giá khách quan, toàn diện về tình hình triển khai tín dụng xanh cho khu công nghiệp xanh tại Việt Nam và “nhận diện” những điểm nghẽn và các giải pháp khả thi để phát triển các khu công nghiệp xanh, thúc đẩy tín dụng xanh theo hướng bền vững.
Theo TS Lê Anh Xuân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 9, đến cuối tháng 3/2025, đã có 30 chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn Khu vực 9 phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt khoảng 10.482 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên gần 2% trong tổng dư nợ.
Trong đó tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng 35,51%); dư nợ tín dụng xanh của Quảng Nam chiếm 60% dư nợ tín dụng xanh toàn khu vực. Lãi suất cho vay các lĩnh vực xanh ngắn hạn bình quân phổ biến từ 4-7%/năm, trung và dài hạn bình quân từ 9-11%/năm.