Tăng thuế thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tăng nguồn thu cho ngân sách
Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến các chính sách tài khóa vì sự phát triển bền vững, tăng thuế thuốc lá là một giải pháp được khuyến nghị mạnh mẽ nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ, cải thiện sức khỏe cộng đồng, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng. Ảnh minh họa: S.T
Trao đổi tại Hội nghị tập huấn “Một số tác động của việc tăng thuế thuốc lá đối với sức khỏe người dân và phản ứng của thị trường” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức, các đại biểu cho biết, tỷ lệ hút thuốc lá cao tại Việt Nam đang để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt sức khỏe, kinh tế và xã hội.
Do đó, tại Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Bộ Tài chính soạn thảo sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV tới đây, đã đưa ra các phương án đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá theo lộ trình từ năm 2026-2030, nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng.
Phân tích về những tác động tích cực khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, chuyên gia Đào Thế Sơn cho biết, việc sử dụng thuốc lá làm mất đi tổng cộng 21,8 triệu giờ lao động của người Việt Nam mỗi năm, do thời gian người bệnh nghỉ việc đi khám chữa bệnh và thời gian người nhà nghỉ việc để chăm sóc. Do đó, việc tăng thuế có thể giúp giảm thời gian lao động bị mất đi đồng thời nâng cao nguồn cung và chất lượng, năng suất lao động.
Mặt khác, ông Sơn nêu ra một khía cạnh thực tiễn, đó là tiêu dùng thuốc lá lấn át chi tiêu cho giáo dục, nhất là ở các hộ nghèo. Do đó, việc tăng thuế thuốc lá có thể sẽ giúp hộ gia đình điều chuyển thu nhập sang các hoạt động khác có lợi hơn cho thu nhập trong tương lai, tăng tiết kiệm và góp phần phát triển kinh tế tư nhân.
Không chỉ có vậy, ông Sơn nhấn mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá còn giúp cân bằng ngân sách, phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển và phát triển bền vững (SDGs). Chậm tăng thuế thuốc lá khiến ngân sách mất đi nguồn thu khoảng 8 - 9 nghìn tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2020-2021. Bên cạnh đó, các mô hình phân tích tác động liên ngành cho thấy nếu tăng thuế xuất từ 65% lên 105%, GDP có thể tăng thêm 0,18% nhờ chuyển dịch chi tiêu từ thuốc lá sang các ngành dùng nhiều lao động hơn như giáo dục, y tế…
Với những luận điểm trên, ông Sơn cho rằng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nên được coi là một chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chứ không phải là lực cản. Vì vậy, Việt Nam cần mạnh dạn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá để có thể nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng trưởng bền vững. Đồng thời, chuyên gia đề xuất nên tăng thuế từ mức 5.000 đồng/bao từ 2026 (thuế tuyệt đối) và tăng dần lên 15.000 đồng/bao vào năm 2030.

Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị tập huấn “Một số tác động của việc tăng thuế thuốc lá đối với sức khỏe người dân và phản ứng của thị trường”, tổ chức ngày 23/4. Ảnh: D.T
Bên cạnh những tác động tích cực, ở chiều ngược lại, một trong những rào cản lớn nhất khi đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá được chỉ ra là nỗi lo về buôn lậu thuốc lá. Tuy nhiên, theo ý kiến của TS. Nguyễn Ngọc Anh – Giám đốc Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN), một nghiên cứu DEPOCEN cho thấy không có mối liên hệ trực tiếp giữa tăng thuế và gia tăng buôn lậu. Thậm chí, trong giai đoạn tăng thuế 2016-2019, tỷ lệ thuốc lá lậu ở Việt Nam đã giảm từ 20% xuống còn 14%.
Hơn nữa, thuốc lá lậu không hề rẻ như thường nghĩ. Nghiên cứu của DEPOCEN chỉ ra giá thuốc lá lậu cao hơn thuốc lá hợp pháp, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc – khu vực có tỷ lệ thuốc lá lậu rất thấp. Gần như toàn bộ thuốc lá lậu tập trung ở miền Nam, nhất là khu vực giáp ranh Campuchia – nơi các thương hiệu như Hero và Jet (không được phép bán hợp pháp tại Việt Nam) được tuồn vào nhiều nhất.
Như vậy, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá không phải là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng thuốc lá lậu, nếu đi kèm các biện pháp kiểm soát hiệu quả như truy xuất nguồn gốc, kiểm soát thị trường và nâng cao năng lực hải quan.
Với những phân tích, đánh giá đa chiều từ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị tập huấn thống nhất cao quan điểm tăng thuế thuốc lá là “liều thuốc đắng” nhưng cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tăng năng suất lao động và sự phát triển bền vững của nền kinh tế./.