Tăng tốc các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng Đông Nam bộ

Từ đầu năm 2024 đến nay, Tây Ninh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông, nhất là các dự án giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ.

Tuyến đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đoạn qua tỉnh Tây Ninh dự kiến có số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng gần 1.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuyến đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đoạn qua tỉnh Tây Ninh dự kiến có số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng gần 1.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa: TTXVN

* Tăng tốc các dự án liên kết vùng

Đến nay, hạ tầng giao thông được tỉnh đầu tư ngày càng hoàn thiện, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa Tây Ninh với các tỉnh, thành trong vùng.

Qua đó, Tây Ninh đã tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng, các dự án có tính lan tỏa, dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội, phát triển trục hành lang đô thị, công nghiệp. Nhất là cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài; tuyến đường liên tuyến kết nối vùng N8 - 787B – 789, dự án Cao tốc Gò Dầu - Xa Mát - giai đoạn 1 từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh…

Trong đó, đoạn qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh dài 24,6 km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh dài 26,3 km; quy mô 6 làn xe cao tốc. Dự kiến dự án sẽ chính thức khởi công vào tháng 6/2025 sau khi hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2027.

Theo đó, dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng giúp khai thác đồng bộ các tuyến đường vành đai có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh, phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh nói riêng, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ nói chung.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1, từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh) là một trong những dự án trọng điểm mà Tây Ninh được Thủ tướng giao làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Về tiến độ, theo ông Nguyễn Ngọc Châu, Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Tập đoàn SunGroup) là đơn vị được UBND tỉnh chấp thuận, đã trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và hồ sơ đề xuất đầu tư dự án. Đến nay, Hội đồng thẩm định cấp cơ sở đã thẩm định báo cáo, đồng thời tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ và nghiên cứu thêm phương án tài chính đầu tư.

* Gắn với đảm bảo chất lượng công trình

Sơ đồ tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát. Ảnh: baochinhphu.vn

Sơ đồ tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát. Ảnh: baochinhphu.vn

Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định, phát triển hạ tầng giao thông là một trong 4 chương trình đột phá của tỉnh. Cùng với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông không chỉ tăng kết nối giữa các địa phương mà còn hình thành liên kết vùng, tạo động lực thu hút đầu tư, mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội.

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, những dự án giao thông tỉnh đã và đang triển khai không chỉ giúp người dân tỉnh Tây Ninh đi lại thuận lợi hơn, mà còn giúp kết nối giao thông từ các tỉnh Đông Nam Bộ đến Tây Ninh, trung chuyển hàng hóa liên tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của vùng Đông Nam bộ.

Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, năm 2024, Tây Ninh xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025). Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, các ngành quyết tâm khắc phục khó khăn, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm trong năm kế hoạch đã đề ra.

Đồng thời, UBND tỉnh Tây Ninh cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên liệu phục vụ dự án, công trình trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân ngay khi khối lượng hoàn thành được nghiệm thu, khắc phục tình trạng chủ quan, thiếu tích cực, dồn giải ngân vào những tháng cuối năm 2024, dẫn đến không hoàn thành kế hoạch được giao. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công gắn với đảm bảo chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Giang Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tang-toc-cac-du-an-giao-thong-trong-diem-ket-noi-vung-dong-nam-bo/343309.html