Tăng tốc chương trình nông thôn mới và giảm nghèo

Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững không chỉ là mục tiêu an sinh mà còn là chiến lược phát triển dài hạn, thúc đẩy tái cấu trúc kinh tế và ổn định xã hội.

Đời sống của người dân được cải thiện

Tổng kết 02 Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025; định hướng Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2026-2035, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, kết quả thực hiện hai Chương trình MTQG tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, nhà nước, được người dân đồng thuận cao, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Điều kiện sống người dân cải thiện rõ nét, nhất là các địa bàn khó khăn. Hạ tầng nông thôn phát triển đồng bộ, dịch vụ thiết yếu được mở rộng; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, góp phần thu hẹp khảng cách phát triển và chênh lệch vùng miền. Công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt, tăng cường phân cấp cho địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu - nguồn lực - tổ chức thực hiện. Công tác truyền thông, giám sát, phản biện được chú trọng.

Mô hình trồng rau hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao tại Phú Thọ. Ảnh: L.H

Mô hình trồng rau hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao tại Phú Thọ. Ảnh: L.H

Đáng ghi nhận, các phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)", "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", cuộc vận động "Toàn dân xây dựng NTM, đô thị văn minh"…, có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Trong đó, đã có hàng triệu hộ dân tự nguyện hiến hơn 98,2 triệu m² đất, đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng và ngày công xây dựng NTM.

Phát triển nông thôn mới theo hướng hiện đại

Về định hướng chương trình giai đoạn 2026-2035, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nêu rõ mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện đại, toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; nâng cao thu nhập, chất lượng sống và khả năng tiếp cận dịch vụ thiết yếu của người dân nông thôn, từng bước tiệm cận mức sống đô thị.

Mô hình bưởi Diễn xuất khẩu sang Mỹ tại Phú Thọ. Ảnh:L.H

Mô hình bưởi Diễn xuất khẩu sang Mỹ tại Phú Thọ. Ảnh:L.H

“Việc phát triển nông thôn phải đi theo hướng hiện đại, gắn với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Bộ trưởng nhấn mạnh, đô thị hóa không chỉ mở rộng không gian, mà còn thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, tuần hoàn, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Về mục tiêu cụ thể. Phấn đấu đến năm 2030: Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020; không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025; duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân từ 1 đến 1,5%/năm, xã nghèo giảm ít nhất 3%/năm. Đến năm 2030, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có ít nhất 35% số xã NTM nâng cao; có ít nhất 10% số xã NTM hiện đại. Cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí NTM. Có khoảng 6-8/34 đơn vị cấp tỉnh được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, trong đó, có 2-3 đơn vị cấp tỉnh được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM hiện đại.

Đào tạo nghề miễn phí cho con em vùng DTTS tại Thái Nguyên. Ảnh: L.H

Đào tạo nghề miễn phí cho con em vùng DTTS tại Thái Nguyên. Ảnh: L.H

Đến năm 2035, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 1,6 lần so với năm 2030; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn quốc giảm còn dưới 1%. Cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn NTM; 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 25% số xã đạt chuẩn NTM hiện đại. Có khoảng 12-14 đơn vị cấp tỉnh được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, trong đó có 50% đơn vị cấp tỉnh được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM hiện đại.

Chương trình xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026-2035 cũng nêu rõ một số giải pháp trọng tâm trong thực hiện. Cụ thể: Ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình; hoàn thiện cơ chế huy động - phân bổ nguồn lực linh hoạt; tăng phân cấp, phân quyền cho cấp tỉnh, xã; khuyến khích hợp tác công - tư, thu hút ODA; xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia NTM các cấp phù hợp với giai đoạn mới; thí điểm mô hình “NTM hạnh phúc”. Nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức thực hiện theo hướng chuyên trách, phù hợp chính quyền địa phương 2 cấp.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tang-toc-chuong-trinh-nong-thon-moi-va-giam-ngheo-10310088.html