Tăng tốc đầu tư trạm sạc xe điện

Thêm nhiều đơn vị tham gia đầu tư trạm sạc giúp người dùng xe điện hưởng lợi

Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng 22.000 ô tô thuần điện và hơn 11.000 xe hybrid (xe lai) sản xuất nội địa và nhập khẩu được cấp phép lưu hành.

Bước sang năm 2024, thị trường chứng kiến thêm hàng loạt thương hiệu xe điện mới gia nhập, trong khi VinFast đã bàn giao thêm hơn 20.000 xe điện trong 6 tháng đầu năm và tiếp tục nhận hàng chục ngàn đơn hàng mua ô tô điện mini VF3 của hãng. Sự tăng trưởng quá nhanh của thị trường xe điện đã gây ra áp lực rất lớn đến hạ tầng trạm sạc trong nước.

Hàng loạt doanh nghiệp tham gia

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và cũng để tạo sự yên tâm cho những người còn lưỡng lự với dòng xe này, các hãng buộc phải chạy đua đầu tư hoặc phối hợp với đối tác xây dựng và mở rộng hệ thống trạm sạc càng nhanh càng tốt. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) có thể thu hàng ngàn tỉ đồng từ lĩnh vực kinh doanh mới mẻ này.

Đầu tư lớn nhất cho hệ thống trạm sạc hiện nay là "ông lớn" VinFast với khoảng 150.000 cổng sạc phủ khắp 63 tỉnh - thành, có mặt trên 125 tuyến quốc lộ và cao tốc, giúp người sử dụng ô tô điện và xe máy điện VinFast có thể yên tâm di chuyển với mức chi phí rẻ hơn nhiều so với xe xăng.

Ngoài VinFast, gần đây thị trường trạm sạc xe điện bắt đầu sôi động hơn khi có nhiều doanh nghiệp mới tham gia đầu tư và mở rộng thị phần, như EV One, EverEV, GreenCharge, Autel, Star Charge… Trong đó, Công ty CP Năng lượng EverEV, một doanh nghiệp chuyên phân phối, lắp đặt, vận hành và đầu tư hạ tầng sạc xe điện chuyên nghiệp có trụ sở tại Hà Nội, đã đầu tư được 46 trạm sạc và đang mở hàng chục trạm sạc trong những tháng cuối năm này. Ngoài các điểm sạc nhanh công cộng, EverEV cũng đã lắp đặt hơn 4.000 điểm sạc tại nhà.

Công ty CP Thiết bị & Giải pháp sạc EV One (TP HCM) cũng đã có 40 trạm sạc và dự kiến đến hết năm 2024 sẽ nâng lên 80 trạm sạc và đạt tổng cộng 200 trạm sạc vào năm 2025. Theo công bố, giá sạc tại hệ thống EV One hiện nay được xem là cao nhất thị trường, với 7.900 đồng/KW dành cho trụ sạc chậm và 9.900 đồng/KW ở các trụ sạc nhanh.

Một DN có trụ sở tại Singapore là Charge+ cũng đang đẩy mạnh đầu tư trạm sạc ở các nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng còn hạn chế, chỉ mới 50 trạm sạc, trong đó Việt Nam chiếm hơn 10 trạm sạc. Charge+ lên kế hoạch đến năm 2030 sẽ đầu tư 10.000 điểm sạc tại khu vực Đông Nam Á, trong đó khoảng một nửa đặt tại Việt Nam.

Đặc biệt, không chỉ các DN tham gia đầu tư trạm sạc công cộng, nhiều khách sạn, trung tâm thương mại, nhà hàng, khu vui chơi giải trí cũng tham gia lắp đặt trụ sạc có thu phí nhằm tạo tiện ích phục vụ khách hàng cũng như thu hút được thêm nhiều khách mới.

Ông Trần Quốc Khánh, Tổng Giám đốc khách sạn Sài Gòn Rạch Giá (Kiên Giang), cho biết khách sạn vừa lắp 2 trụ sạc cho xe điện với chi phí khoảng 160 triệu đồng. Từ khi lắp trạm sạc, mỗi ngày có khoảng 10 - 15 lượt xe vào sạc tại trụ, hầu hết là xe cá nhân của khách lưu trú tại khách sạn.

Một trạm sạc của EverEV có thể sạc cho nhiều loại xe điện trên thị trường

Một trạm sạc của EverEV có thể sạc cho nhiều loại xe điện trên thị trường

Cạnh tranh quyết liệt

Mới đây nhất, một DN lớn của nhà nước là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đã chính thức tuyên bố tham gia thị trường trạm sạc cho xe điện bằng việc đưa vào vận hành trạm sạc xe điện thí điểm đầu tiên tại Hà Nội.

Trạm sạc có chi phí đầu tư 1,8 tỉ đồng, tổng công suất sử dụng 100 - 120 KW. Mỗi trạm có 2 trụ sạc, công suất 50 - 60 KW/cổng sạc. Đặc biệt, chi phí sạc ở trạm này khá cạnh tranh, chỉ 3.858 đồng/KW trong khung giờ bình thường và chưa tới 3.000 đồng/KW trong khung giờ thấp điểm (ban đêm).

PV Power cho biết Chính phủ đang khuyến khích và đã đặt mục tiêu về chuyển đổi từ xe cơ giới sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng điện. Do đó, nhu cầu sử dụng ô tô điện của người dân trong thời gian tới sẽ ngày càng tăng.

Do đó, PV Power xác định việc đầu tư, xây dựng cung cấp các trạm sạc cho xe điện sẽ mở ra cơ hội kinh doanh mới cho DN cũng như phù hợp với chiến lược phát triển trong giai đoạn tới.

Hiện thực hóa chiến lược trên, PV Power đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với EN Technologies Inc. (Hàn Quốc) để nghiên cứu và phát triển hệ thống trạm sạc tại Việt Nam. Trong đó, PV Power có trách nhiệm tìm kiếm vị trí đặt trạm, cung cấp hạ tầng kỹ thuật kèm theo gồm nguồn cấp điện đầu vào, cung cấp toàn bộ trang thiết bị, tủ phân phối điện, thi công xây dựng, lắp đặt, cải tạo mặt bằng… và các chi phí khác như bảo hiểm, kiểm định, các thủ tục và giấy phép liên quan.

Theo nhận xét từ giới chuyên môn, việc PV Power tham gia "cuộc chơi" này sẽ giúp cho thị trường trạm sạc trở nên cạnh tranh hơn, người sử dụng xe điện được hưởng lợi nhờ chi phí sạc điện giảm, từ đó thúc đẩy thị trường ô tô điện phát triển.

Thực tế, trước khi PV Power tham gia lĩnh vực này, cá nhân ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - công ty mẹ của VinFast, đã thành lập Công ty Phát triển trạm sạc Toàn cầu V-GREEN với vốn hàng ngàn tỉ đồng và đặt kế hoạch đầu tư thêm 10.000 tỉ đồng trong vòng 2 năm tới để xây mới, nâng cấp hệ thống trạm sạc hiện có của VinFast.

Theo ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc điều hành hệ thống trạm sạc EV One, đầu tư cho trạm sạc dù được nhà nước khuyến khích nhưng hiện vẫn nhiều khó khăn, cụ thể tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng do đây là lĩnh vực còn khá mới. Chưa kể, chi phí đầu tư hạ tầng trạm sạc còn cao, nguồn điện ở một số điểm để lắp đặt trạm sạc chưa đáp ứng được yêu cầu nên đẩy chi phí lên cao.

Đặc biệt, khung pháp lý cho ngành này vẫn chưa được cụ thể, các hãng xe chưa tin tưởng vào các giải pháp sạc của bên thứ ba nên các đơn vị muốn tham gia vào lĩnh vực này rơi vào tình trạng lúng túng. "Cần sớm có khung pháp lý về tiêu chuẩn hạ tầng sạc cũng như có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển trạm sạc" - ông Đạt góp ý.

Bài và ảnh: Nguyễn Hải

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tang-toc-dau-tu-tram-sac-xe-dien-196240824185331087.htm