Tăng tốc đến nền kinh tế Net Zero: 'Chính sách nên cập nhật xu hướng sản xuất của doanh nghiệp'
Dù nhận thấy việc chuyển đổi xanh là vấn đề sống còn, thế nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là khi chính sách phần nào đó chưa theo kịp tốc độ và nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Chuyển đổi xanh là câu chuyện bắt buộc phải làm
Theo các chuyên gia, để đạt cam kết đạt mức 0% vào năm 2050, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần nhanh chóng tăng cường chuyển đổi xanh nhằm giảm lượng carbon khoảng 78%. Trong đó, nhiều đơn vị đang thực hành ESG (môi trường, xã hội, quản trị) để hướng tới thực hiện tăng trưởng xanh.
Phát biểu tại sự kiện Phát triển bền vững 2024 chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức mới đây, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) chia sẻ: "Doanh nghiệp cần hành động và việc thực hành ESG để hướng tới thực hiện tăng trưởng xanh. Bởi ESG là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững (PTBV) và ảnh hưởng, tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Công bố các chỉ số và các thông tin về PTBV được xem là một trong những yếu tố cạnh tranh quan trọng giữa các doanh nghiệp. Còn khung ESG được các nhà đầu tư sử dụng để đánh giá hiệu suất của một tổ chức dựa trên các tiêu chí cụ thể”.
Tuy nhiên, dù doanh nghiệp quy mô nào, thành phần nào cũng có thể gặp những vấn đề trong quá trình chuyển đổi xanh. Khó khăn đối với doanh nghiệp lớn là sự bất cập của hệ thống chính sách pháp luật.
Ngoài ra, các bộ ngành cũng còn có sự chồng chéo, chưa có sự thống nhất. “Bộ ngành nào cũng thấy rằng mình cũng cần quan tâm, cũng cần phải tăng tốc và nhảy vào cuộc, dẫn đến vướng lẫn nhau. Do đó, các bộ chưa đơn giản hóa thành một quy trình thống nhất”, vị này nói.
Tại một hội thảo khác hồi tháng 4, TS Võ Trí Thành đánh giá, thời gian gần đây các doanh nghiệp đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức. Chuyển đổi xanh không còn là cam kết chính trị, chiến lược mà đây là câu chuyện thị trường, sự sống còn của doanh nghiệp.
“Anh không xanh thì dần anh rất khó bán được hàng do đòi hỏi của người tiêu dùng, những cam kết, những tiêu chuẩn, nhất là tiêu chuẩn ở các nước mình xuất khẩu đặt ra thì buộc mình phải làm”, ông Thành đánh giá.
Thế nhưng chuyển đổi là một quá trình không đơn giản, bởi vì chi phí chuyển đổi lớn, đòi hỏi công nghệ, vốn, kỹ năng. Và vai trò của chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước là đặc biệt quan trọng. Từ việc hỗ trợ hạ tầng, đào tạo, nghiên cứu triển khai, đổi mới sáng tạo và có những cách vừa thị trường, vừa đúng cam kết, nhưng vẫn phải “khéo” để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Việt có thể bứt lên được.
Khó khăn khi chính sách chưa theo kịp sự phát triển
Là một trong những doanh nghiệp đã chuyển đổi xanh để đáp ứng đủ các yêu cầu từ Châu Âu, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco) cho biết vui mừng khi nhà nước quyết tâm xây dựng thị trường tín chỉ carbon. Tuy nhiên, các chính sách vẫn đang đi chậm và chưa theo kịp tốc độ phát triển thực tế của thị trường và doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Doanhnhanvn.vn, ông Mạnh nói: “Với doanh nghiệp chế biến gỗ nói riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu khác nói chung, khi xuất sang thị trường Mỹ, Châu Âu hay các thị trường cao cấp, phần lớn khách hàng yêu cầu phải sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng và đã đảm bảo các quy định về môi trường. Câu chuyện này đã có từ rất lâu.
Với ngành chế biến gỗ thì có chứng chỉ FSC, tức quy trình sản xuất của doanh nghiệp từ khâu nguyên liệu đến tới tay người tiêu dùng phải theo một quy trình, đảm bảo chất lượng về yêu cầu về môi trường”.
“Ví dụ anh phải sản xuất từ một khu rừng được quy hoạch, được khai thác bền vững theo đúng quy hoạch Chính phủ và khu rừng đó được cải tạo, đồng thời nguyên liệu khi được đưa vào quy trình sản xuất cũng phải đảm bảo sạch và đáp ứng các chứng chỉ, ví dụ như BSCI (đảm bảo về vệ sinh, môi trường)... Sau đó việc cấp hàng cho các nhà cung cấp cũng phải tuân theo tiêu chuẩn FSC, khép kín cho đến tay người tiêu dùng”, ông Mạnh nói.
Trên thực tế sản xuất, khi chế biến các sản phẩm gỗ sẽ sản sinh ra bụi, doanh nghiệp đã sử dụng bụi, mùn cưa đó để tái tạo lại theo một quy trình tuần hoàn. Hoặc sử dụng các nguyên liệu gỗ phế thải để đóng lại thành các bộ bàn ghế, giường tủ chất lượng, xuất đi Châu Âu. Việc này đã giúp tạo nên sản phẩm “hai lần môi trường”, lần thứ nhất là không phá rừng và lần thứ hai là tái tạo được các phế thải thành sản phẩm. Đây là sự sáng tạo của doanh nghiệp, tuy nhiên “chính sách cần bám sát tốc độ phát triển của doanh nghiệp”, ông Mạnh nói.
Việc chuyển đổi xanh còn gặp khó khi doanh nghiệp còn vướng mắc nhiều khi tiếp cận dòng vốn “xanh”.
Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính CTCP Shinec cho biết: “Doanh nghiệp đã phải tự thuê đơn vị kiểm toán PwC để tư vấn, xác nhận các tiêu chí về ESG mà doanh nghiệp đã đạt được. Giá trị hợp đồng cũng lên tới vài tỷ đồng. Thế nhưng khi vay vốn ngân hàng, lãi suất vẫn cao như bình thường".
Cùng gặp khó khăn tương tự, bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc phát triển bền vững CTCP Khu công nghiệp DEEP C chia sẻ với phóng viên: “Nhu cầu tài chính xanh để doanh nghiệp đầu tư là rất lớn, thế nhưng quá trình tiếp cận lại gặp nhiều vướng mắc.
Bà Hoàn thông tin, đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc tiếp cận được thông tin về các tổ chức cấp tín dụng tranh rất khó. Nhưng đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng”, phần chìm là rất nhiều chi phí khác.
“Ví dụ như khi nộp hồ sơ xin vốn ưu đãi cho dự án điện trời áp mái thì chúng tôi đã được một quỹ hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục để được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Chúng tôi rất hoan hỉ đi đến gặp họ với mong muốn mức thuế suất ưu đãi chỉ khoảng 3%. Nhưng thực sự khi đến gặp thì mới biết ngoài lãi suất 3% ưu đãi đó còn phải trả cả phí bảo lãnh, phí xử lý hồ sơ,... Cộng tất cả các loại phí vào thì thậm chí còn cao hơn lãi suất của các ngân hàng thương mại. Nên thực tế hiện nay DEEP C đang vay của Vietcombank hơn là các quỹ hay tổ chức khác”, đại diện khu công nghiệp DEEP C nói.
“Chính sách nên cập nhật xu hướng sản xuất của doanh nghiệp”
Trên góc độ doanh nghiệp sản xuất, ông Trần Quốc Mạnh để xuất: “Khó khăn nhất để tiếp cận tín chỉ carbon đối với các doanh nghiệp sản xuất là chi phí. Chi phí để thực hiện tín chỉ carbon này khá nặng. Để đảm bảo các quy định về môi trường, doanh nghiệp phải đầu tư sản xuất bền vững. Do đó giải pháp căn cơ cho doanh nghiệp chế biến là đầu ra.
Nếu Chính phủ tác động vào đầu ra, ví dụ chi phí marketing, chi phí hỗ trợ triển lãm… để khơi thông đầu ra, tìm mọi cách để kết nối các khách hàng ở các thị trường mục tiêu với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thì năng lực sản xuất của doanh nghiệp nâng lên, thu nhập tăng lên thì sẽ sẵn sàng đầu tư vào những lĩnh vực như: môi trường, tính chỉ carbon một cách dễ dàng hơn. Bởi vì phần lớn các doanh nghiệp chế biến hiện nay của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy nếu tập trung tác động vào đầu ra sản phẩm thì sẽ kích thích doanh nghiệp phát triển, đảm bảo được mục tiêu môi trường Chính phủ đã đặt ra”.
“Chính sách nên cập nhật xu hướng sản xuất của doanh nghiệp”, ông Mạnh đề xuất.
Bên cạnh đó, tại sự kiện, ông Darryl James Dong, Đại diện Cấp cao Phụ trách Văn phòng TP HCM, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách đối với phát triển kinh tế xanh, nhất là tại Việt Nam. Ông cũng đưa ra khuyến nghị trong hoạch định chính sách, Việt Nam thực hiện kinh tế xanh từng bước, từ đơn giản đến phức tạp, đưa ra những quy định khung, cơ bản, dễ thực hiện rồi sau đó bổ sung, nhưng phải làm ngay. Theo đó, doanh nghiệp cũng vậy, phải xanh hóa ngay từ bây giờ, từng bước và tìm nguồn tài chính xanh cho sự chuyển đổi của mình.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt, cũng cho rằng Chính phủ và các cơ quan nhà nước, chuyên gia cần hoàn thiện khung chính sách về khử carbon; xây dựng quy định về thị trường carbon, định giá carbon, chứng chỉ xanh...
"Chúng ta chưa có nhiều giải pháp để kích thích cầu tiêu dùng để hỗ trợ tạo thói quen tiêu dùng xanh. Nhận thức tiêu dùng thì có nhưng thói quen tiêu dùng xanh thì chưa có. Thực tế tại doanh nghiệp, vấn đề công nghệ và tín dụng thì có thể vượt qua được nhưng vấn đề thị trường thì doanh nghiệp chưa thể tạo ra tiêu dùng xanh để có thể phát triển bền vững" - TS Việt cho biết.