Tăng tốc giải ngân đầu tư công, hướng tới tăng trưởng 8%
Để hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong năm 2025, Thủ đô Hà Nội đã tăng tốc giải ngân đầu tư công, nỗ lực phát triển cùng cả nước.
Chính phủ đã trình Quốc hội Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Để tăng trưởng GDP đạt được con số mục tiêu, một trong những động lực tăng trưởng quan trọng là vốn đầu tư công năm 2025, dự kiến đạt khoảng 875.000 tỷ đồng, cao hơn so với kế hoạch đã giao trước đó. Khi nguồn lực lớn này được đưa vào giải ngân, trụ cột tăng trưởng đầu tư công sẽ phát huy hiệu quả.
Động lực trên được thể hiện rõ nét tại công trình thi công dự án đường song hành Vành đai 4 - Vùng Thủ đô – dự án giao thông trọng điểm quốc gia. Ngay từ những ngày đầu năm mới, trên công trường thi công tất cả các gói thầu của dự án, toàn bộ 32 mũi thi công vẫn duy trì nhịp độ làm việc hối hả với tinh thần “vượt nắng thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, làm ba ca bốn kíp”.
Anh Nguyễn Tuấn Nhân - Đội trưởng thi công, Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4 - chia sẻ: “Theo tiến độ, phải đến năm 2026 thì dự án mới phải hoàn thành". Nhưng hiện tại, anh Nhân và đồng nghiệp phấn đấu xong công việc trước 31/12/2025.
Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt với các dự án trọng điểm, là cách để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Trong đó, những địa phương như Hà Nội, TP.HCM được coi là đầu tàu để kéo cả nước đạt mục tiêu.
Tại Hà Nội, năm 2025, kế hoạch đầu tư công là trên 87.000 tỷ đồng, gấp 1,13 lần so với năm 2024. Mục tiêu phấn đấu đạt tăng trưởng 8% trở lên năm 2025, đồng thời xây dựng và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030, trong đó mục tiêu tăng trưởng đạt hai con số. Những con số này trùng với kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội, khi cho ý kiến về mục tiêu tăng trưởng 8%.
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai - cho biết: “Khi giao chỉ tiêu cho các địa phương, cần có địa phương mang tính động lực, như Hà Nội và TP.HCM là 8 và 8,5% nếu được. Đây là những địa phương đầu tàu”.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu và kỳ vọng, chỉ nỗ lực trên các công trường thôi là chưa đủ. Thể chế đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Vì thế cần phải hoàn thiện thể chế, thúc đẩy đầu tư tư nhân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình - cho hay: “Với doanh nghiệp, phân loại doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ, FDI theo nộp thuế,… Đặc biệt tập trung doanh nghiệp vừa vì đây là lực lượng đầu tư hỗ trợ phát triển thành doanh nghiệp lớn, đặc biệt là về công nghệ”.
Nếu không tháo gỡ những rào cản về thể chế, chúng ta sẽ không thể hiện thực hóa các chính sách. Đây là yêu cầu được Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh tại cuộc họp tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chiều 15/2.
Hà Nội hiện đang từng bước tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; đẩy nhanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hòa mình vào dòng chảy chung của cả nước, vừa để dẫn dắt, vừa là động lực để cùng cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng.