Tăng tốc hợp tác Việt Nam – Séc: Đòn bẩy chiến lược cho đầu tư công nghệ và tài chính số
Từ nhà máy Skoda đến thỏa thuận an ninh mạng, hợp tác Việt Nam – Séc đang dịch chuyển mạnh mẽ sang công nghệ cao và đầu tư xanh. Với hàng loạt dự án tỷ USD, cộng đồng doanh nghiệp hai nước đang đứng trước thời cơ bứt phá chưa từng có trên bản đồ thương mại toàn cầu.
Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đang bước vào giai đoạn tăng tốc mạnh mẽ, mở ra cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực công nghệ tài chính, dữ liệu số, sản xuất công nghiệp, năng lượng và an ninh mạng. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Séc diễn ra ngày 22/4, các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhấn mạnh tiềm năng hợp tác vượt trội, với cam kết thúc đẩy đầu tư song phương lên tầm cao mới.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Cộng hòa Séc Zbynek Stanjura khẳng định Việt Nam hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của Séc tại ASEAN, với kim ngạch thương mại song phương năm qua đã vượt 4 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Theo ông, đây không chỉ là kết quả của chính sách cởi mở và tiềm năng thị trường mà còn nhờ vào vai trò cầu nối đặc biệt của cộng đồng người Việt tại Séc – cộng đồng lớn nhất trong EU, góp phần tăng cường mối liên kết văn hóa, xã hội và kinh tế giữa hai quốc gia.
Bày tỏ mong muốn hợp tác song phương với Việt Nam, ông Zbynek Stanjura, Bộ trưởng Bộ Tài chính Cộng hòa Séc khẳng định, “Thương mại song phương giữa Séc và các quốc gia Châu Á đã vượt quá 4 tỷ đô và vẫn đang không ngừng tăng trưởng, về lâu dài tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra trong năm nay. Đây là sự khẳng định lòng tin, đồng thời cũng là cam kết tăng cường hợp tác giữa cộng hòa Séc và Việt Nam trong cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.”

Cam kết tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam - Séc.
Minh chứng cho sự tăng trưởng đầu tư cụ thể, Bộ trưởng Stanjura cho biết hãng xe Skoda Auto đang triển khai hợp tác sản xuất với Tập đoàn Thành Công tại Quảng Ninh, và nhà máy đã chính thức vận hành từ tháng 3/2025, kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất cho toàn khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, Sev.en Global Investments đang cân nhắc đầu tư vào lĩnh vực nhiệt điện, trong khi Elmich, công ty chuyên về thiết bị gia dụng, đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại Hà Nam. Ngoài ra, Whalebone, công ty an ninh mạng hàng đầu của Séc, đã ký kết hợp tác với đối tác Việt Nam – bước đi khẳng định sự chuyển hướng mạnh mẽ sang các lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn.
Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương cho biết tính đến tháng 2/2025, Séc đã có 42 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 91 triệu USD, trong khi Việt Nam có 4 dự án tại Séc với vốn đăng ký 1,5 triệu USD. Ông đánh giá, dù những con số hiện tại còn khiêm tốn so với tiềm năng, nhưng đây là bước khởi đầu đầy hứa hẹn trong quan hệ đầu tư hai chiều.
Bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam cũng cho thấy sức hấp dẫn ngày càng lớn với nhà đầu tư quốc tế. Năm 2024, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tự nhiên đạt 55,4 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước, đánh dấu mức cao nhất từ trước đến nay. Trên thị trường vốn, tổng huy động vốn đạt gần 930.000 tỷ đồng, tương đương 36,37 tỷ USD, tăng 1,3 lần so với năm 2023. Con số này chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn cầu, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của thị trường tài chính Việt Nam trong năm vừa qua.
Bên cạnh đó, quy mô thị trường cổ phiếu và trái phiếu năm 2024 đạt 93,3% GDP, phản ánh sự lớn mạnh và độ sâu của thị trường vốn. Đặc biệt, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng khi đã có gần 48.000 tài khoản đầu tư gián tiếp mới được mở trong năm. Tổng giá trị giao dịch của khối ngoại cũng đạt gần 11,1 triệu tỷ đồng, cho thấy niềm tin vững chắc của giới đầu tư quốc tế đối với môi trường kinh doanh và triển vọng kinh tế của Việt Nam.
Những thành tựu trên đã góp phần đưa quy mô nền kinh tế Việt Nam lên 476,3 tỷ USD, xếp hạng 33 trên thế giới. Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, với tầm nhìn trở thành nền kinh tế có mức thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc thúc đẩy nâng cao hiệu quả và chất lượng thu hút FDI là vô cùng quan trọng, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong những năm tới.
Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI – nhấn mạnh Việt Nam đã ký kết và thực thi 17 hiệp định thương mại tự do, bao phủ gần 90% GDP toàn cầu, là nền tảng vững chắc để mở rộng hợp tác thương mại, công nghiệp và đầu tư. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Séc đạt hơn 2 tỷ USD và khẳng định rằng hai bên đều đang cùng nhau hướng tới những mục tiêu đầy tham vọng hơn, cụ thể là 5 tỷ USD thương mại và 3 tỷ USD vốn đầu tư trong năm tới.
“Để hiện thực hóa tầm nhìn đưa đất nước trở thành quốc gia có thu nhập cao, chúng tôi xác định khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển con người toàn diện là 3 trụ cột quan trọng”, ông nhấn mạnh.
Ông Phạm Tấn Công đề xuất hai nước cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, giao thông vận tải, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và giáo dục nghề nghiệp, đồng thời tận dụng các hiệp định như EVFTA để khuyến khích doanh nghiệp hai nước khai thác thị trường đối tác một cách hiệu quả hơn.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh vai trò của các dự án công nghệ cao và sáng tạo như FinTech, an ninh mạng, trung tâm tài chính quốc tế – lĩnh vực mà Việt Nam đang muốn hợp tác sâu rộng với doanh nghiệp Séc để tạo ra những giá trị bền vững và khác biệt trong hệ sinh thái kinh doanh toàn cầu.
Để tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Cộng hòa Séc, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã đưa ra một số đề xuất quan trọng. Thứ nhất, ông nhấn mạnh việc tăng cường trao đổi thông tin về môi trường đầu tư minh bạch, chính sách tài chính, thị trường vốn và các chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư của hai nước. Đồng thời, cần khuyến khích tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư và hội thảo chuyên đề để hai bên hiểu rõ hơn về môi trường đầu tư.
Thứ hai, tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do EU (EVFTA) để thúc đẩy dòng vốn đầu tư hai chiều, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, tài chính xanh, công nghệ tài chính và quản lý tài sản. Chính phủ Việt Nam cam kết hỗ trợ các dự án đầu tư của doanh nghiệp Séc và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Thứ ba, thúc đẩy hợp tác giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính, bao gồm trao đổi chuyên gia và tổ chức các khóa học về quản lý tài chính hiện đại. Điều này sẽ giúp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho hợp tác song phương giữa hai nước trong lĩnh vực tài chính và công nghệ.
Thứ tư, Việt Nam hiện đang xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, và mong muốn hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp Séc trong các lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với mục tiêu thúc đẩy dòng vốn đầu tư hai chiều giữa hai nước, giúp Việt Nam gia nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị tài chính toàn cầu.
“Bộ Tài chính Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Séc nói riêng, và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, hoạt động đầu tư kinh doanh đạt được thành công bền vững tại thị trường việt nam”, ông nhấn mạnh.
Với sự đồng thuận cao từ lãnh đạo cấp cao và cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam – Séc đang có những bước đi vững chắc trong việc tái định hình quan hệ thương mại – đầu tư, từ hợp tác truyền thống sang hợp tác chiến lược, hướng tới giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là thời điểm vàng để doanh nghiệp hai nước bứt phá, tận dụng tối đa các cơ hội có một không hai từ sự dịch chuyển địa kinh tế toàn cầu.