Tăng tốc tín dụng dịp cuối năm
Khi thời điểm kết thúc năm kinh doanh đang đến gần, các tổ chức tín dụng đang nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm. Có thể thấy, đến thời điểm này, nhiều yếu tố đang hỗ trợ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt mục tiêu đề ra.
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 31/10, tăng trưởng tín dụng đạt 10,08%. So với mục tiêu 15% của cả năm 2024, dư địa tăng trưởng tín dụng còn gần 5%. Dù vậy, những tháng cuối năm cũng chính là thời điểm các doanh nghiệp thường tăng cường sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị hàng hóa phục vụ mùa lễ, Tết. Chưa kể, mặt bằng lãi suất cho vay hiện cũng ở mức khá “mềm”, càng tạo động lực để người dân, doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn để tập trung chuẩn bị cho các đơn hàng cuối năm. Đồng thời, nhu cầu mua sắm dịp cuối năm, nhất là Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tăng cũng tạo đà tăng tốc cho phân khúc tín dụng tiêu dùng.
Để đáp ứng những nhu cầu nêu trên, các ngân hàng thương mại đang triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi quy mô lớn với mức lãi suất cho vay ngắn hạn dao động từ 4,5-6,5%/năm; lãi suất trung, dài hạn dưới 9%/năm, cá biệt có Agribank cho vay lãi suất thấp hơn 3%/năm. Đại diện lãnh đạo Agribank cho biết, ngân hàng triển khai gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp lĩnh vực nông, thủy sản, chế biến và nhập khẩu nguyên phụ liệu đang có lãi suất chỉ từ 2,6%/năm cho kỳ hạn dưới 3 tháng. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng thiết kế riêng từng sản phẩm tín dụng cho từng phân khúc khách hàng khác nhau.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Văn bản số 9364/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Trong đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí, rà soát tình hình thu phí đang áp dụng để xem xét, miễn giảm các loại phí không cần thiết, công khai mức phí cung ứng trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng; đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình cho vay để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế; nhất là nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo nhận định của một số công ty nghiên cứu, phân tích tài chính, hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thị trường bất động sản hồi phục rõ nét cùng với việc Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng,… sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh khả năng cho vay đáp ứng đủ vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại, cần thêm những giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn vay của người dân, doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, để hấp thụ được dòng vốn một cách kịp thời và hiệu quả, còn cần thêm một số giải pháp nữa không chỉ từ ngành ngân hàng mà cả các chủ thể liên quan. Trong đó, một trong những giải pháp rất quan trọng là kích cầu nền kinh tế, giúp doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất, kinh doanh, giải phóng hàng tồn kho, người dân cũng tiêu dùng nhiều hơn.
Cùng với đó, để nâng cao chất lượng tín dụng, khi tiếp cận nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, các tổ chức và cá nhân cũng cần nâng cao năng lực nhằm đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và khách hàng phải có phương án kinh doanh khả thi, có khả năng trả nợ.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tang-toc-tin-dung-dip-cuoi-nam-5030200.html