Tăng trưởng GDP năm 2019 vượt mức 6,8% là hoàn toàn khả thi
Thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, với nhiều dấu hiệu bứt phá từ nội lực. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, bộ, ngành, địa phương, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 vượt mức 6,8% là hoàn toàn khả thi.
Tăng trưởng cao nhờ điều hành vĩ mô hiệu quả
Phóng viên (PV): Ông có thể phác họa những nét chính của nền kinh tế từ đầu năm tới nay?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Thời gian qua, kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Các tổ chức quốc tế liên tục đưa ra dự báo thiếu lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019. Trong nước, nền kinh tế cũng đối mặt với không ít khó khăn thách thức với thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; ngành chăn nuôi gặp khó khăn khi dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng; nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản không thuận lợi về thị trường và giá xuất khẩu; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp... Tuy nhiên, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III-2019 ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,82% của quý I và 6,73% của quý II năm nay, góp phần đưa tăng trưởng GDP 9 tháng lên 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây.
Kết quả tăng trưởng khẳng định tính quyết đoán, kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2019.
PV: Đâu là những điểm sáng và những điểm cần lưu ý của nền kinh tế, thưa ông?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02% (cùng kỳ năm 2018 tăng 3,7%), đóng góp 4,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, đóng góp 52,6%; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%. Có thể thấy, tăng trưởng của nền kinh tế khá cao với động lực chính là tăng trưởng của ngành công nghiệp và sự tăng trưởng của các ngành dịch vụ thị trường. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế (tăng 11,37%); khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ 2,68% sau nhiều năm liên tiếp giảm nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô.
Điểm sáng nữa của nền kinh tế là hoạt động xuất khẩu. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm nhưng Việt Nam vẫn duy trì đà xuất siêu 5,9 tỷ USD là thành công của nền kinh tế, trong đó, khu vực kinh tế trong nước có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao 16,4%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5%). Cùng với đó, thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả tích cực, doanh nghiệp mới thành lập tăng cao, điều này phản ánh môi trường kinh doanh tốt.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới. Đó là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, khả năng hấp thụ vốn ODA chưa cao. Thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến kết quả sản xuất của ngành trồng trọt và chăn nuôi. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu giảm đáng kể.
Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế
PV: Theo ông, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% trong năm 2019 liệu có hoàn thành?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Như báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám đang diễn ra, với kết quả đạt được trong 9 tháng của năm nay, kinh tế năm 2019 có triển vọng rất khả quan đạt mục tiêu tăng trưởng hơn 6,8%. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020. Để cả năm tốc độ tăng GDP hơn 6,8% thì GDP quý IV phải tăng hơn 6,45%.
PV: Đâu sẽ là những giải pháp quan trọng để nền kinh tế Việt Nam bứt tốc trong các tháng cuối năm, thưa ông?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, các cấp, ngành tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019; tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
Chính phủ cần có giải pháp thu hút, lựa chọn và hấp thu vốn FDI và ODA; đồng thời tổ chức thực hiện nhanh và hiệu quả Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; có giải pháp khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội.
Đối với xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản, cần giải quyết hiệu quả vấn đề kiểm dịch động, thực vật, bảo đảm vệ sinh an toàn chất lượng. Điều này góp phần quan trọng thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này; đồng thời tận dụng được cơ hội mang lại từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần điều chỉnh phương án sản xuất, tăng cường sản xuất đối với cây trồng ngắn ngày, chuyển dần sang hướng tập trung tạo ra khối lượng hàng hóa lớn. Từ đó hình thành sự liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, thực hiện cơ giới hóa trong thu hoạch nhằm giảm giá thành, nâng cao hiệu quả và ổn định trong sản xuất. Ngành thủy sản phải gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, phân tích và dự báo tốt các tín hiệu của thị trường để có những bước đi phù hợp. Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
PV: Trân trọng cảm ơn ông.